15 49.0138 8.38624 1 0 4000 1 https://nangmaivang.com 300 0
theme-sticky-logo-alt
theme-logo-alt

Nhật ký thực tập

Note 1: Mình đi thực tập ở trường giáo dục đặc biệt ????

Ở đây các em có những vấn đề về Rối loạn phát triển như tự kỷ, tăng động giảm chú ý, chậm phát triển trí tuệ, chậm nói, khó khăn học tập, rối loạn giác quan, asperger v.v Các em được đến đây học can thiệp, hòa nhập. Một số em dạng nhẹ chỉ cần học hòa nhập một thời gian rồi có thể đến trường bình thường. Một số em thì nặng hơn, có em hơn 12 tuổi vẫn chưa biết nói, không có ngôn ngữ, nên vẫn phải ở trường để các cô dạy tiếp.
Bước vào nơi này mình thấy như một thế giới khác, những điều tưởng chừng rất đơn giản ở một đứa trẻ bình thường thì nơi này lại có ý nghĩa đặc biệt. Gọi được tên, chỉ được đúng đồ vật, màu sắc, ghép đúng hình, để lại đồ chơi đúng nơi quy định, biết nhìn vào cô, đưa đồ cho cô… mỗi lần trẻ làm đúng đều được cô khen ngợi nhiệt tình, vui mừng hết biết.
Ngoài kia có những phụ huynh mong con mình đạt thành tích này kia, trở thành ông này bà nọ. Còn những đứa trẻ ở đây, có em chỉ cần gọi được một tiếng mẹ thôi đã là thành tích lớn rồi. Sự mong đợi và kỳ vọng của phụ huynh ở đây thật khác…
Có em cũng rất thông minh, biết hết chỉ là không chịu nói và không giao tiếp mắt. Cô Giáo nói bé giống như kiểu tự kỷ thiên tài.
Mỗi đứa trẻ tự kỷ là một thế giới thật đặc biệt. Mình trộm nghĩ tụi nó thậm chí còn có riêng một hành tinh, một hành tinh kỳ lạ ????

Note 2: Em sẽ đi về đâu?

Lớp mình đang thực tập có một em bé 8 tuổi được chẩn đoán là chậm phát triển trí tuệ. Học lý thuyết thì biết rằng CPTTT phải có 3 vấn đề sau:
– chỉ số thông minh IQ phải từ 70 trở xuống (100 là chỉ số trung bình)
– sự chậm hoặc ngưng trệ ít nhất 3 khía cạnh: học hỏi, giao tiếp, tự chăm sóc bản thân
– bệnh bắt đầu trước 18 tuổi.
Đến khi gặp em và được giao cho dạy em học, mình mới thấu hiểu nỗi niềm đằng sau những định nghĩa khách quan ấy. Em gần như không tập trung được vào bài học, hay cười hoặc khó chịu, và lơ đãng nhìn xung quanh mặc cho những yêu cầu của mình.
8 tuổi và em còn chưa thể tự mặc quần áo một cách trọn vẹn, chưa phân biệt được màu sắc, chưa nói được thành lời thành câu hoàn chỉnh.
Hôm nay đi xem phim ở ngoài, thấy nhiều em nhỏ cỡ cấp 1 cũng vào xem phim cùng (Nàng tiên cá), mình chợt nhớ tới em, không biết sau này em sẽ lớn lên trong tình cảnh như thế nào? Ra đời như thế nào? Bởi mới thấy các chương trình can thiệp cho trẻ có rối loạn phát triển là cực kỳ quan trọng.
Mong cho xã hội này có đủ bao dung và dịu dàng với các em. ????
Mong cho các cô dạy mảng này đủ năng lượng và tinh thần để tiếp tục cuộc chiến hằng ngày. Thật không hiểu cho hết được tấm lòng của các cô rộng lớn thế nào để có thể kiên nhẫn dạy cho các em từng ngày một ????
Note 3: Là một đứa trẻ để chơi với trẻ ????

Môi trường xung quanh mình không nhiều trẻ con nên ít có cơ hội được quan sát và chơi với chúng. Lần đi thực tập này mình cũng ú ớ rất nhiều không biết phải bắt đầu làm quen và chơi với tụi nó từ đâu. Trẻ em bình thường nhiều khi còn tương tác được, còn trẻ đặc biệt vốn dĩ nó đã không tương tác rồi, nên việc tiếp cận còn khó khăn hơn nhiều.

Trong lớp mình thực tập, trường hợp mình thấy khó nhất vẫn là cô bé được chẩn đoán là chậm PT trí tuệ. Mỗi lần cô giáo dạy em rất cực, em hầu như không chú ý được vào bài học, mắt không nhìn cô, lại không nghe lời. 8 tuổi, bài học về nhận diện màu sắc vẫn chưa học xong. Thầy chuyên môn nói trẻ học không tiến bộ không phải do trẻ mà do cách dạy của thầy cô. Nhưng trước hết cần phải thu hút được sự chú ý và hứng thú của trẻ ở mình. Vậy thì phải chơi với nó, trở thành người bạn và kết nối với trẻ. Một khi nó vui vẻ với mình thì bài học mới bắt đầu được.

Rồi cảm giác nó lạ lắm! Chơi và dạy một hồi cái thấy vừa vui vừa mệt, vừa trẻ ra mà cũng thấy cô bé đáng yêu. ????

Ngày xưa sống trong thế giới corporate, làm PR, làm account, nên rèn cho mình trở thành con người nghiêm túc, kỷ luật, phải suy nghĩ, phải cân đo đong đếm, lý trí trong nhiều tình huống. Đây cũng là đặc thù công việc yêu cầu. Những kỹ năng này đương nhiên tốt trong môi trường công việc thế này.

Nhưng rồi được trải nghiệm ở đây, mình được “thả” cái phiên bản đứa trẻ bên trong ra và chơi với nó. Ban đầu cũng lúng túng, sợ sệt, nhưng mà chơi nó nằm trong bản năng của mỗi đứa trẻ rồi mà, thế nên cứ can đảm mà chơi thôi.

_____
  

Note 4: Chỉ mới là sự bắt đầu!

Mình đang bước trên hành trình “The hero’s journey” này, chắc là vậy, khi mà call to adventure đang đến gần mình. Mình không còn hứng thú với thế giới bình thường lúc trước nữa, “comfort zone” khiến mình không còn thấy comfort. Nhưng những tiếng gọi cũ vẫn làm phiền mình khá nhiều (refusal of the call), nào là mức lương, chức danh, cuộc sống ở một nơi đáng mơ ước khác, nỗi sợ vì sự không an toàn, không sẵn sàng để thay đổi.

May là trong thời gian vừa rồi mình có nguồn lực tâm linh quan trọng, giúp mình vượt qua từng cơn sóng sợ hãi mỗi ngày, giúp mình có đủ bình tĩnh, tự tin hơn và bước tiếp. Chứ không mình vẫn lẫn lộn trong mớ bòng bong về sự nghiệp, vật chất, đường đời, vẫn quẩn quanh với những câu hỏi không có lời giải đáp.

Trước những ngã rẽ, rồi người ta phải chọn lấy một con đường, và mỗi con đường sẽ dẫn tới những kết quả rất khác nhau. Mình tự hỏi nếu vẫn bước đi trên con đường cũ hơn 8 năm nay, liệu mình có còn cảm thấy hạnh phúc và mãn nguyện, liệu nhiều năm sau này, mình có hối tiếc vì đã không cho bản thân cơ hội mới.

Cái câu “30 tuổi rồi còn… <thế này thế kia>” nhiều lúc nó đánh động mình, 30 thì đã sao, 30 không lẽ nằm im chấp nhận mọi thứ và không thể thay đổi nữa đến suốt đời. Cũng còn cả hơn nửa đời nữa mới kết thúc hành trình ở kiếp này (hi vọng sống lâu ^^), thì sao lại không theo đuổi những gì mình cho là phải làm và nên làm?

Mà có lẽ chỉ ở thời gian này, mình mới chịu thực hành tâm linh một cách nghiêm túc, viết biết ơn mỗi ngày để tự quán chiếu lại tất cả những đặc ân mình đã nhận được từ cuộc sống. Và có lẽ nó sẽ là chân kinh cho những ngày thử thách sắp tới của mình.

Chia sẻ:
BÀI TRƯỚC
SỐNG TRONG GIA ĐÌNH – P2: MUỐN GIA ĐÌNH VÀ MUỐN LÀ MÌNH

0 Bình luận

Leave a Reply