“Jung” Cảm – Phản tư của tôi về học thuyết của Carl Jung
Carl Jung là một bác sĩ tâm thần học, nhà tâm lý học Thụy Sĩ. Nổi tiếng nhờ ông thành lập một trường phái tâm lý học mới có tên là tâm lý học phân tích nhằm phân biệt với trường phái phân tâm học của Sigmund Freud. Và ngày nay có rất nhiều nhà tâm lý trị liệu ứng dụng chữa trị theo phương pháp của ông (trích Wikipedia).
Trong quá trình đã và đang tìm hiểu về Jung, tôi kết nối một số điểm trong học thuyết của ông để suy nghiệm và phản tư về chính mình.
Cái tôi cũ – Bản ngã ngự trị.
“Cho đến khi bạn làm cho vô thức trở nên ý thức, nó sẽ định hướng cuộc sống của bạn và bạn gọi đó là số phận”.
Đây là một trong những câu nói của nhà tâm lý học Carl Jung mà tôi cảm thấy chạm đến mình nhất. Bởi trước năm 2018, khi tôi chưa có sự thức tỉnh tâm linh. Tôi là một người chỉ biết sống trên bề mặt ý thức với cái tôi (ego) rất cao, mà nói theo triết học phương Đông là một tư duy nhị nguyên.
Trong học thuyết của Jung, cấu trúc tâm trí của con người được chia thành 3 phần: Ý thức (consciousness) – Vô thức cá nhân (personal unconscious) – Vô thức tập thể (Collective unconscious).
Ý thức là những gì được nhận thức, là phần duy nhất của tâm trí được nhận biết trực tiếp. Nó là trạng thái tỉnh thức của quan sát và ghi nhận những gì diễn ra trong thế giới xung quanh và nội tâm. Ý thức có từ rất sớm (có thể trước khi sinh). Sự nhận biết ý thức của đứa trẻ phát triển mỗi ngày thông qua việc sử dụng 4 chức năng tâm trí: suy nghĩ – cảm nhận – cảm giác và trực giác.
Cái Tôi (ego) là trung tâm của ý thức, nó nắm giữ vùng ý thức này. Cái Tôi quyết định nội dung nào được tồn tại trong ý thức và nội dung nào bị đẩy vào vô thức, bằng cách ngừng phản ánh chúng. Vì thế, Cái Tôi có thể dồn nén những nội dung nó không thích, cảm thấy đau đớn, hay không chịu được hoặc không thích hợp với các nội dung khác.
Cái Tôi của tôi đã từng như thế nào?
- Chịu tác động của nền văn hóa, xã hội, đi theo giá trị của xã hội và xem nó là điều đúng đắn: ví dụ giàu mới hạnh phúc, phụ nữ tới tuổi phải lấy chồng… Jung gọi đây là “lớp vỏ bọc bọc xung quanh cái tôi trung tâm”, là “nhân cách số 2” bị tác động bởi văn hóa, xã hội.
- Dồn nén những ước muốn sâu thẳm của bản thân, hoặc những trải nghiệm mình cảm thấy không tốt, để tránh đi những đau đớn. Theo phân tâm học, đây là cơ chế dồn nén của ý thức xuống vùng vô thức. Con người càng bị dồn nén, thì các vấn đề tâm lý bắt đầu nảy sinh.
- Và… cực kỳ sợ hãi khi ở một mình. Tôi nhớ có một lần mình ngủ dậy trong căn phòng trọ, lúc đó bạn bè đã đi hết, tôi cảm giác bị bấn loạn và sợ hãi tột độ. Bởi vì tôi không quen phải ở một mình đối diện với bản thân. Điều đó quá khó khăn và tôi khiếp sợ.
“Bản đồ tâm hồn con người” theo Carl Jung
Cơ duyên ngộ đạo
Khi tôi có tất cả mọi thứ tôi muốn: một công việc, một sự nghiệp, một người bạn trai, và cái lý tưởng sống vật chất tưởng như sẽ thỏa mãn trong tôi, tôi chia tay bạn trai. Đó là một cú sốc rất lớn khiến tôi bừng tỉnh cuộc sống mơ màng u tối của mình trong hơn 20 năm sống trên cõi đời này.
Có thể gọi đó là Cơ duyên (Synchronicity)– một hiện tượng bán tâm lý được giới thiệu bởi Carl Jung. Đó là sự xuất hiện một cách tình cờ của hai sự kiện hoàn toàn không có cùng một nguyên nhân, nhưng lại có liên hệ có ý nghĩa. Hiện tượng này thường được xem là có nguồn gốc liên hệ với phạm trù siêu nhiên. Hay như trong Phật Giáo, gọi là duyên sinh. Duyên biểu hiện theo mối liên hệ nhân – quả đi từ các kiếp sống trước cho đến nay. Duyên mà ta có ở kiếp này, trong đạo Phật lý giải là do nhân chúng ta đã gieo từ kiếp trước.
Trước đó, trong một chuyến đi chơi với nhóm bạn, tôi được một người bạn mới quen giới thiệu cho rất nhiều sách của thiền sư Thích Nhất Hạnh. Nhưng lúc đó tôi không biết về Thầy và cũng không hiểu những gì Thầy viết. Hay bạn cũng giới thiệu cho tôi về Thiền nhưng tôi cũng không hiểu nó là gì. Khi sự sụp đổ của tôi xảy đến ngay sau đó, tôi tìm đọc quyển sách lúc trước bạn giới thiệu. Tôi càng đọc càng cảm thấy vỡ òa cảm xúc, nhận ra bản thân đã sống trong bóng tối nhiều năm qua, sống mà không có hiểu biết và trí tuệ.
“Tầm nhìn của bạn trở nên sáng rõ hơn chỉ khi bạn có thể tìm về trái tim mình. Người nhìn ra bên ngoài, sẽ là ảo mộng, người nhìn vào bên trong, được thức tỉnh” (Your visions will become clear only when you can look into your own heart. Who looks outside, dreams; who looks inside, awakes).
Năm đó, tôi quy y trở thành Phật Tử, bắt đầu hành trình tu học Phật Pháp, tìm về chính mình, yêu thương bản thân hơn và tái lập lại giá trị sống cho bản thân.
Phật tử học về Jung – Tái khám phá Vô thức
Sau thời gian ngắn tìm hiểu về Carl Jung, tôi nhận ra học thuyết của ông không gói gọn trong phạm vi tâm lý học, mà còn ở lĩnh vực thần học, tôn giáo học, thần thoại học và tâm linh. Có thể xem Carl Jung là một nhà hiền triết của thời đại cũng không sai. Và tôi vô cùng ngưỡng mộ ông.
Jung nói về Vô thức cá nhân, cũng giống như khái niệm Tàng thức trong Phật giáo. Vô thức hay tàng thức, là nơi chứa các khuôn mẫu hành vi của chúng ta, là nơi thúc đẩy hầu hết các suy nghĩ, cảm xúc và hành vi của chúng ta. Các phần của vô thức đều bị ẩn đi nhưng lại định hướng cho ý thức của chúng ta. Có nghĩa là, chúng ta nghĩ rằng tổng thể con người là tâm trí có ý thức. Nhưng thật ra, chúng ta là “con rối” của thế giới vô thức.
Sau giai đoạn “thức tỉnh” với cái tôi mới, tôi đã có cơ hội tìm hiểu về Tàng thức của bản thân, mà giờ đây, tôi sẽ nói rằng mình đang chạm vào Vô thức Cá nhân. Đó là thông qua Thiền.
Thiền, với thời gian đủ sâu và thường xuyên, là cách tôi tìm về cõi vô thức trong mình. Đó là những ý nghĩ vô tình lướt qua đầu trong lúc thiền, hoặc có khi là những trận cuồng phong của những kỷ niệm mà bản thân đã dồn nén, ức chế. Những ý nghĩ đó đều không được ý thức kiểm soát, nó ùa ạt dồn về khiến cho tâm trí tôi xáo động. Có khi những ký ức thơ ấu ùa về khiến tôi xúc động, mà bình thường tôi nghĩ mình đã quên.
Tiếp đến, khi ngồi thiền đủ lâu, các phần của cơ thể bắt đầu mỏi mệt, tôi thường nghe lời của Sư Cô hướng dẫn rằng phải đứng trên những cơn đau này để vượt qua sự phản ứng của thói quen “cứ thấy đau là phải cựa quậy”. Nhưng thường thì tôi thất bại nhiều hơn thành công, bởi vùng vô thức hoạt động cực kỳ mạnh, đôi khi một khoảnh khắc không chú ý, tự thân nhấc tay, nhấc chân lên mà bản thân cũng không hề ý thức.
Đó là vài ví dụ cho thấy vùng vô thức trong tôi hoạt động rất mạnh mẽ. Và chỉ khi tôi có thể phá vỡ khuôn mẫu của vô thức này, nghĩa là thấy đau cũng không phản ứng, thì tôi mới biết được cách ngừng cái tâm “sân” trước những điều khó chịu, hay các sự kiện bất như ý trong cuộc sống. Có khi tôi cũng vượt qua được, nhưng có khi lại không. Nhưng ít ra, tôi đang biết mình đi sâu vào cõi vô thức để hiểu về bản thân hơn.
Khám phá Nguyên mẫu Mặt nạ và Bóng tối
Không chỉ là Vô thức Cá nhân, Jung đã đưa vào một đại lượng thứ ba khiến cho học thuyết của ông gây được sự chú ý đó là cõi vô thức tập thể. Đây là một bể chưa rất lớn, cất giữ trong nó tất cả những kinh nghiệm chung của loài người nói chung, cũng như tổ tiên ta nói riêng.
Trong bể vô thức tập thể này có những Nguyên Mẫu, là biểu hiện của những kinh nghiệm cổ đã được lặp đi lặp lại qua nhiều thế hệ, gồm những hình ảnh, biểu tượng, mẫu thức được in vết sẵn trong tâm trí loài người. Hai nguyên mẫu thú vị nhất trong lý thuyết của ông có thể nói đến là Nguyên mẫu Mặt nạ và Nguyên mẫu Bóng tối.
Nguyên mẫu mặt nạ là lớp mặt nạ mà cá nhân “đeo vào” để biểu hiện những đặc điểm mà xã hội mong đợi, và không nhất thiết là những tính cách của cá nhân đó. Nhưng vấn đề của tôi với chiếc mặt nạ này nằm ở chỗ đồng nhất hóa bản thân với nó, và xa rời bản chất thật của mình. Bởi khi ấy tôi không hiểu rằng mặt nạ chỉ tương thích với những chuẩn mực và tập tục xã hội, nó chỉ giúp tôi tồn tại với một tính cách thống nhất với bên ngoài. Nó không phải là chính tôi.
Cho đến gần đây, tôi nghĩ rằng việc tu tập chính là cách để xóa bỏ lớp mặt nạ và sống hài hòa với xung quanh bằng chính con người thật của mình. Mình – sẽ là một con người thống nhất từ trong ra ngoài với các phẩm chất mình muốn có như: tình yêu thương – chân thành và trí tuệ. Bởi vì như Jung đã nói, “Đặc ân của cuộc đời là trở thành con người thật của bạn” (The privilege of a lifetime is to become who you truly are).
Tuy nhiên, “con người không thể trở nên giác ngộ bằng cách tưởng tượng ra những hình bóng ánh sáng, mà làm cho bóng tối trở nên ý thức” (one does not become enlightened by imagining figures of light, but by making the darkness conscious).
Nếu muốn hướng đến một con người thống nhất, sống trong ánh sáng của niềm vui và sự quân bình, thì cần đối diện với Nguyên mẫu Bóng tối của chính mình. Bóng tối là sự dồn nén của tất cả những đặc tính mà con người không thừa nhận, mà cố gắng che giấu khỏi chính mình và người khác. Đó là những khía cạnh tăm tối nhất của bản thân mà cần phải có can đảm để đối mặt. Bóng tối chìm sâu trong vô thức của tôi là hạt giống nóng giận, là ý nghĩ ích kỷ, đố kỵ người khác khi họ được thành công hơn mình và có suy nghĩ xấu với người đã từng làm mình tổn thương… càng khám phá những mảng tối trong tâm hồn, tôi càng chạm đến những điều xấu xí của bản thân.
Nhưng tôi có ghét chúng không? Có lẽ không, khi nhìn ra chúng, tôi ôm ấm cảm xúc của mình nhiều hơn, đồng thời cũng có cái nhìn toàn diện về bản thân. Từ đó, tôi quyết định điều gì sẽ được tồn tại trong mình và điều gì phải loại bỏ, tôi muốn xây dựng bản thân trở thành một người tốt đẹp hơn.
Jung từng nói, đối diện được với bóng tối của chính mình thì mới có thể đương đầu với bóng tối của người khác, làm việc với bóng tối trong mình cũng giống như việc dọn cỏ, quét rác trong tâm, để con người mình được sạch sẽ, mới mẻ và quan trọng là có chỗ để đón những điều tốt đẹp sẽ đến trong cuộc sống.
(Còn tiếp)
0 Bình luận