15 49.0138 8.38624 1 0 4000 1 https://nangmaivang.com 300 0
theme-sticky-logo-alt
theme-logo-alt

Lược đồ – Một lý giải để dễ chấp nhận người khác và hiểu bản thân hơn 

Nguồn gốc của những thất vọng, khổ sở là đánh giá người khác theo cách nghĩ của bạn, “vì sao họ lại suy nghĩ và hành xử không theo ý của mình”. Cùng tìm hiểu về khái niệm “lược đồ” để thấy mỗi cá nhân là một thế giới khác biệt và từ đó dễ chấp nhận người khác hơn nhé. 

Trong lý thuyết Phát sinh Nhận thức của nhà Tâm lý học Jean Piaget có một khái niệm là “Lược đồ” (Schema), hiểu đơn giản đó là cấu trúc tinh thần của một người về môi trường và xã hội xung quanh. Lược đồ có thể xem như “lăng kính nhận thức” độc đáo của mỗi cá nhân, được phát triển thông qua quá trình xã hội hoá (gồm học tập, giáo dục, tương tác xã hội). Lược đồ này giúp mỗi chúng ta phát triển, học tập, thích ứng cũng như giải quyết các tình huống trong cuộc sống. 

Ví dụ một đứa trẻ phát triển lược đồ của mình về con chó. Trẻ thu vào lược đồ của mình rằng con chó là động vật có 4 chân, có lông. Để rồi khi thấy một con vật tương tự, trẻ biết rằng đó là con chó. Bởi vì định nghĩa về con chó đã có trong lược đồ của trẻ. Đây gọi là quá trình Đồng hóa (Assimilation), khi trẻ thu nhận những kiến thức mới từ môi trường vào những gì sẵn có trong lược đồ. 

Tuy nhiên lược đồ luôn không ngừng được sửa đổi để giúp chúng ta phát triển những nhận thức mới. Nếu trẻ nhìn thấy một con vật cũng 4 chân, có lông nhưng lại kêu “meo meo”, thì lúc này lược đồ về “con chó” sẽ phải thay đổi như thế nào? 

Quá trình Điều ứng (Accommodation) bắt đầu, đòi hỏi trẻ phải điều chỉnh lại lược đồ của mình, thêm vào kiến thức về một loài động vật 4 chân khác. Cứ như thế, quá trình thay đổi và mở rộng lược đồ luôn tiếp diễn khi chúng ta lớn lên và hòa nhập vào xã hội. 

Chúng ta “đồng hoá” những hiểu biết mới dựa trên lược đồ sẵn có, và quy định tính chất của sự việc mình nhìn thấy dựa trên kiến thức cũ. Đồng thời, ta phải “điều ứng”, chỉnh sửa lược đồ của mình để cân bằng và thích nghi với thế giới bên ngoài. 

Vì thế, con người vừa khi sinh ra, đã được thả vào bể xã hội và bắt đầu quá trình hình thành lược đồ từ trong vô thức. Từ khi còn bé, chính môi trường gia đình từ cha mẹ và người thân đã giúp con trẻ vẽ nên lược đồ sơ khai về thế giới xung quanh. Đến khi đi học, con trẻ tiếp tục mở rộng và điều chỉnh lược đồ của mình thông qua giáo dục. 

Ta đang nhìn thế giới bằng lược đồ như thế nào – Ảnh: Unplash.

Lối tắt và kìm hãm

Rõ ràng, lược đồ giúp chúng ta tương tác với thế giới hiệu quả, là “lối tắt” giúp ta phân loại thông tin nhanh hơn. Vì khi ta gặp thông tin mới, phù hợp với một lược đồ hiện có, chúng ta có thể hiểu và diễn giải nó một cách hiệu quả với ít nguồn lực nhận thức nhất. 

Tuy nhiên, lược đồ cũng là một cái khung kìm hãm nhận thức của chúng ta. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra con người chỉ ghi nhớ và chú ý những gì cảm thấy phù hợp với nhận thức của họ. Những sự kiện khách quan được đưa vào lược đồ sẽ mang đậm tính lý giải cá nhân của một người, họ có thể bóp méo hiện tượng để phù hợp với lược đồ của bản thân hơn. Ví dụ một người có lược đồ nhìn nhận tiêu cực về người đồng tính, họ cho rằng người đồng tính là bệnh hoạn, thì khi nhìn thấy bất kỳ cá nhân đồng tính nào, lược đồ về người đồng tính của họ sẽ áp đặt lên con người đó. Nói cách khác, lược đồ cũng là khung định kiến của một cá nhân. 

Hoặc là chúng ta sẽ quá mong đợi vào hành vi và ứng xử của một người dựa trên lược đồ lý tưởng về nhóm của họ. Ví dụ từ trước ta nghĩ một người giáo viên thì phải chuẩn mực trong hành xử, phải ăn nói cung kính lễ độ, phải nghiêm túc… nên khi thấy hình ảnh một cô giáo có hình xăm, ta lập tức thất vọng và phán xét. Bởi vì hình tượng giáo viên trong lòng ta là hoàn toàn khác. 

Cứ như thế, lược đồ của một người vừa là cách con người phát triển, vừa là định kiến đóng khung chính bản thân. 

Học chấp nhận người khác như chính lược đồ của họ

Hiểu về lược đồ, thì khi thấy một người suy nghĩ và hành xử khác mình, có thể dễ dàng chấp nhận và thấu hiểu hơn, rằng đó là quá trình phát triển và nhận thức của cá nhân đó. Tôn trọng lược đồ của người khác vì đó là những gì họ đã được dạy và được học thông qua quá trình sống. 

Hiểu về lược đồ, cũng giúp chính bản thân mình chấp nhận bản thân một cách nhẹ nhàng hơn, đồng thời cho phép mình mở rộng những khả năng mới. Những gì mình đã được học, được dạy… để đưa vào lược đồ đồng thời cũng là sự ràng buộc trong tâm trí của mình, hình thành lên cho mình quá nhiều định kiến và mong đợi trong cuộc sống. 

Có thể nói, chúng ta sống chủ quan và cảm tính hơn mình nghĩ rất nhiều. Từ trong vô thức, từ trong sâu thẳm, tâm trí chúng ta rõ ràng có quá nhiều định kiến và phán xét về xã hội cũng như người khác. Cho nên, về bản chất, tranh luận đúng sai, phản biện phê bình… chỉ là lớp bề nổi mà chúng ta nhìn nhận về nhau để rồi không đi đến một giải pháp thật sự trong nhiều vấn đề. 

Nguồn tham khảo: 1, 2

Chia sẻ:
Chuyên mục:Học tâm lý
BÀI TRƯỚC
Lớp XXX – Phan Ý Ly: Những điều đúng nhưng chưa đủ
BÀI KẾ TIẾP
“Jung” Cảm – Phản tư của tôi về học thuyết của Carl Jung

0 Bình luận

Leave a Reply