SỐNG TRONG GIA ĐÌNH – P2: MUỐN GIA ĐÌNH VÀ MUỐN LÀ MÌNH
Hệ thống gia đình đưa ra khái niệm về lòng trung thành và sự cá biệt hóa bản ngã, như một cán cân trong chu trình phát triển của cá nhân trong gia đình. Có thể tóm gọn bằng một câu: Tôi muốn thuộc về gia đình, và tôi cũng muốn được là chính mình.
Lòng trung thành (Loyalty)
Lòng trung thành là yếu tố giúp một hệ thống gia đình giữ vững, duy trì sự tồn tại. Đứa bé vừa ra đời đã nhận được sự chăm sóc, bao bọc của gia đình. Gia đình, người mẹ, hay người chăm sóc cho bé sự an toàn. Nên từ khi có ý thức, nó biết mình cần trung thành với gia đình, vâng lời cha mẹ, làm cha mẹ vui để tiếp tục được nhu cầu an toàn và yêu thương.
Sự trung thành bao hàm những kỳ vọng được đặt ra để các thành viên trong gia đình phải cam kết làm theo. Biểu hiện có thể thấy rõ là việc tuân thủ các giá trị, làm theo truyền thống gia đình, tiếp nối lý tưởng gia đình, hoặc chỉ là những việc làm nhỏ nhất như ủng hộ hoạt động của gia đình.
Đơn cử, gia đình tôi là gia đình ba thế hệ làm nghề giáo viên, từ đời ông bà cố, đến ông bà ngoại, và đến ba mẹ tôi. Từ nhỏ, mẹ tôi được định hướng sẽ đi theo con đường làm giáo dục của gia đình. Đó là cách mẹ tôi thể hiện lòng trung thành với giá trị của gia đình.
Đến thế hệ của tôi và em gái, cả hai chị em đều không làm giáo viên, và lòng trung thành với gia đình được thể hiện bằng các hình thức khác. Ví dụ, tôi luôn ghi nhận và biết ơn vì xuất thân trong một gia đình có gia giáo. Tôi tự hào về gia đình mình bằng việc luôn nói tốt về các thành viên với người bên ngoài. Lòng trung thành cho tôi cảm giác được yêu thương, được thuộc về trong gia đình của mình.
Cá biệt hóa bản ngã (differentiation of self)
Đối trọng với lòng trung thành là tính cá biệt hóa bản ngã. “Đó là khả năng của một cá nhân có thể biệt định hóa các chức năng về cảm xúc và trí năng của mình” (Nguyễn Minh Tiến, 2016).
Quá trình cá biệt hóa bản ngã lành mạnh là việc có thể là chính mình, theo đuổi những gì mình mong muốn mà vẫn duy trì được lòng trung thành với gia đình một cách cân bằng. Việc tôi không làm giáo viên theo truyền thống của gia đình nhưng vẫn có mối quan hệ tốt với gia đình, và hạnh phúc với cuộc sống hiện tại cho thấy quá trình cá biệt hóa diễn ra lành mạnh và thành công.
Tuy nhiên, rất nhiều người xung quanh chúng ta có quá trình cá biệt hóa đầy khó khăn. Đó là chuyện không muốn tiếp nối truyền thống kinh doanh của gia đình, mà muốn đi làm nghệ thuật; là việc công khai mình là người đồng tính, trong khi gia đình không chấp nhận xu hướng tính dục này; là mong muốn được sống theo ý mình nhưng gia đình thì có nhiều ràng buộc, quy tắc cứng nhắc.
Có những người được cá biệt hóa suôn sẻ và thành công khi ba mẹ luôn hỗ trợ và chấp nhận quyết định của con, có những người vùng vẫy, mất nhiều thời gian cũng như chịu tổn thương trong quá trình này, hay cũng có người cả đời cũng chưa được gia đình chấp nhận.
Khi ta không thể là mình, cá biệt hóa kém, ta thường phụ thuộc vào sự chấp thuận của người khác, tuân theo người khác để họ vui lòng, nhằm mang lại cho ta cảm giác được chấp nhận trong hệ thống. Vì không thể là mình, sau này có gia đình nhỏ, ta cũng sẽ ép con phải tuân theo mình, như cách mình tuân theo thế hệ trước.
Vì thế, nói đến lòng trung thành và cá biệt hóa, không phải để cá nhân lựa chọn một bên hay loại trừ một bên, mà hai chiều kích này sẽ là đối trọng để cá nhân tự cân bằng cuộc sống.

Nguồn ảnh: Unplash
Câu hỏi suy ngẫm dành cho phần này:
- Tôi đang thể hiện lòng trung thành với gia đình bằng cách nào?
- Trong gia đình, tôi có được thể hiện quan điểm riêng và có sự lựa chọn?
- Tôi có được ủng hộ không?
- Tôi có đang phụ thuộc vào thành viên nào trong gia đình đến nỗi không thể sống độc lập được?
- Có ai đang ép tôi phải chấp hành một điều gì khó khiến tôi cảm thấy không được là chính mình?
Khi cá biệt hóa quá khó khăn và gây stress:
Tiếp cận hệ thống mang đến khái niệm chia ly tình cảm (emotional cut-off) là một cơ chế tự nhiên mà con người sử dụng để đương đầu với trạng thái lo âu cao độ hoặc không thể chịu nổi các vấn đề gia đình chưa được giải quyết.
Có thể gọi là tạm thời lánh mặt, tránh bứt dây động rừng, né tránh các chủ đề nhạy cảm, ít nói chuyện v.v Kế sách trì hoãn tạm thời này giúp sự lo âu giảm bớt, tránh xung đột cực độ trong hệ thống. Nhưng về lâu dài, thì những vấn đề sẽ càng khó giải quyết, đã stress lại còn stress hơn.
Gần đây mình mới được học về Giao tiếp trắc ẩn (Compassionate Communication). Mình nghĩ phương pháp giao tiếp này có thể thích hợp để từng bước gỡ rối cho các mối quan hệ vốn gặp nhiều thử thách, và cũng giúp chúng ta hiểu cách giao tiếp của mình hơn.
Bạn có thể tìm hiểu thêm chương trình học về Giao tiếp trắc ẩn ở đây: https://dattrongnguoi.com/nha/giao-tiep-trac-an/
Tài liệu tham khảo:
Nguyen, M. T. (2016). Tổng quan về gia đình và trị liệu hệ thống. CLB Trăng Non.
0 Bình luận