15 49.0138 8.38624 1 0 4000 1 https://nangmaivang.com 300 0
theme-sticky-logo-alt
theme-logo-alt

SỐNG TRONG GIA ĐÌNH – P1: HIỂU VỀ HỆ THỐNG GIA ĐÌNH

Dựa vào một số lý thuyết trong Tâm lý học gia đình – tiếp cận hệ thống gia đình (family systemic approach), mình đưa ra vài khái niệm để chúng ta cùng soi chiếu lại mối quan hệ trong gia đình, nhìn nhận lại bản thân, cũng như hiểu thêm về các cơ chế tâm lý trong gia đình. 

Gia đình là một hệ thống – Chúng ta vốn dĩ sống trong nhau

Khái niệm hệ thống gia đình xem xét con người dựa trên sự tương tác với các thành viên trong gia đình, chứ không chỉ riêng tâm lý của một cá nhân. Các thành viên trong hệ thống gia đình luôn tương tác qua lại và có mối quan hệ chằng chịt với nhau. Một sự kiện xảy ra trong gia đình vừa là nguyên nhân, vừa là kết quả và có tác động tương hỗ. Ví dụ việc gia mẹ quản giáo con cái rất nghiêm khắc có thể đến từ cách cha mẹ nhận được sự giáo dục hà khắc từ thế hệ ông bà. Cứ như thế, những gì xảy ra trong hệ thống gia đình có mối quan hệ tuyến tính, qua lại, không chỉ là nhân quả một chiều.

Một hệ thống gia đình vận hành tốt phải mang tính chất linh hoạt, vừa giữ được những giá trị truyền thống để không làm mất bản chất gốc, vừa uyển chuyển, thích nghi với những thay đổi và tiếp cận những điều mới mẻ theo thời gian. Các thành viên trong hệ thống tốt sẽ có sự gắn bó, thấu hiểu lẫn nhau, giao tiếp rõ ràng nhưng cũng không xâm phạm vào khoảng trời cá nhân của mỗi người. Cha mẹ yêu thương, hiểu con và cũng cho con được tự do phát triển, là chính con. Vợ chồng gắn bó nhưng cho phép nhau phát triển sự nghiệp cá nhân.

Ngược lại, gia đình thiếu lành mạnh không linh hoạt và không có khả năng thích nghi với những tình huống cần thay đổi của đời sống. Giao tiếp kém, thiếu tin cậy, không có khả năng thương lượng và giải quyết vấn đề, thể hiện cảm xúc bằng cách tiêu cực, thiếu quan tâm chăm sóc… cũng là các biểu hiện thiếu lành mạnh trong gia đình.

Và tùy thuộc vào văn hóa, xã hội, lịch sử, tính chất, mỗi gia đình có một cách tương quan riêng với nhau. Gia đình miền Bắc khác gia đình miền Nam, hay gia đình nhà giáo khác với gia đình nghệ thuật.

Ta hãy tự hỏi chính mình xem gia đình mình đang vận hành như thế nào:

  • Mọi người đang giao tiếp với nhau ra sao? Có rõ ràng và chân thật không?
  • Cảm xúc các thành viên đang được thể hiện bằng cách nào? Ví dụ mẹ thương con, nhưng mẹ có đang dùng đúng lời lẽ và hành động yêu thương để thể hiện, hay là người mẹ dùng một hành động tiêu cực khác để thể hiện tình thương này.
  • Sự quan tâm và chăm sóc lẫn nhau đang được thể hiện ra sao?
  • Cách giải quyết vấn đề của gia đình thông thường như thế nào? Ai là người đưa ra quyết định cuối cùng, có thành viên nào mình thấy bị thiệt thòi không?
  • Trước những tình huống cần thay đổi, gia đình có thích ứng được không? Có sự kiện nào gia đình gặp khó khăn?

Nguồn ảnh: Unplash

Trong rất nhiều khả năng lựa chọn, chỉ có gia đình là nơi không được chọn lựa khi chúng ta sinh ra. Theo Phật giáo, gia đình là nơi cộng nghiệp chung của các thành viên. Chúng ta mang theo những món nợ phải trả, những ân tình cần báo đáp cho nhau từ nhiều kiếp trước. Hay nói như nhà tâm lý học Carl Jung, chúng ta cùng mang vô thức tập thể của cộng đồng từ quốc gia, chủng tộc, đến phạm vi hẹp hơn là trong gia đình.

Chính vì thế, đã là người trong nhà, chúng ta vốn dĩ sống trong nhau, ràng buộc nhau và chịu chung sự chi phối của hệ thống này.

“Khi hai ta về một nhà, ta vui chung một nỗi vui”, là ý vậy đó.

SỐNG TRONG GIA ĐÌNH – P2: MUỐN GIA ĐÌNH VÀ MUỐN LÀ MÌNH

Tài liệu tham khảo:

Nguyen, M. T. (2016). Tổng quan về gia đình và trị liệu hệ thống. CLB Trăng Non.

Chia sẻ:
Chuyên mục:Học tâm lý
BÀI TRƯỚC
“Jung” Cảm – Phản tư của tôi về học thuyết của Carl Jung
BÀI KẾ TIẾP
SỐNG TRONG GIA ĐÌNH – P2: MUỐN GIA ĐÌNH VÀ MUỐN LÀ MÌNH

0 Bình luận

Leave a Reply