Lớp XXX – Phan Ý Ly: Những điều đúng nhưng chưa đủ
Đến hôm nay, mình nghĩ bản thân cần phải nói lên đôi điều về tình trạng các lớp học, dịch vụ chữa lành, phát triển bản thân đang tràn lan ngoài thị trường; cũng như chia sẻ trải nghiệm cá nhân khi từng tham gia lớp học XXX của cô Ly Phan (Phan Ý Ly).
Về lớp XXX: Lớp XXX chỉ dành cho học viên nữ, do cô Phan Ý Ly tổ chức. Lớp học kéo dài 3 ngày liên tiếp để bàn về những vấn đề sau:
- Tôi là ai? Tôi tồn tại trên cuộc đời này để làm gì?
- Bản chất cuộc sống là gì? Làm sao sống cho dễ và sướng.
- Bản chất tình yêu là gì? Năng lượng nam tính, nữ tính v.v
Nghe rất hấp dẫn phải không? Chỉ có 3 ngày mà sẽ trả lời cho bạn được những câu hỏi đó, một phương án giải quyết cấp tốc cho những khổ đau trong đời sống vội vã của chúng ta. Đa phần những học viên tham gia đang mắc phải một tình trạng đau đớn nào đó như ly hôn, chia tay, khủng hoảng, chán đời… Họ (và cả mình khi đó) như tìm được một người thầy để chỉ đường, soi sáng.
Những quan điểm trong lớp học được rút từ kinh nghiệm cuộc sống của Ly Phan, cộng với các kiến thức đông tây kim cổ mà cô góp nhặt được. Nó tạo thành một tập hợp các quan điểm sống “mới mẻ”, “truyền cảm hứng” rất hút hồn các tín đồ nữ như sau.
Ở đây mình phân tích lý thuyết lớp học, chứ không có ý công kích cá nhân.
- THUẬN TỰ NHIÊN
Lấy từ triết lý vô vi của Lão Tử (Đạo giáo): “Vô vi nhi vô bất vi” (Không làm gì mà không gì không làm). Vô vi không phải là không cần làm gì cả. Vô vi nhưng vẫn hữu vi, làm theo quy luật tự nhiên, thuận theo dòng chảy của cuộc sống. LP truyền tải rằng hãy hành động thuận theo lòng mình và theo những diễn biến cuộc sống xung quanh, nghĩa là trong lòng bạn đang thôi thúc việc gì đó, thì hãy làm. Trường hợp tác nhân bên ngoài đang tác động lớn hơn nội tâm bên trong, thì hãy vui vẻ và chấp nhận đi theo nó. Định nghĩa về thuận tự nhiên như vậy thoạt đầu nghe rất thích, vì mọi thứ quá đơn giản: thích thì hãy làm, thuận thì hãy theo.
Nhưng trong Đạo Đức Kinh, “vô vi nhi vô bất vi” là một tư tưởng rất sâu và nội hàm lớn, cũng là cái hồn của Đạo giáo. Hiểu như LP truyền đạt thì chỉ mới đúng một phần. Vô vi không phải là không làm gì cả mà đừng làm cái gì đến thái quá. Cái gì thái quá cũng đều nguy hại cả. Vậy việc thuận theo nội tâm, hay thuận theo hoàn cảnh bên ngoài không đảm bảo được rằng liệu quyết định của chúng ta có đang thái quá hay không? Thuận lòng mình, nhưng chắc gì lòng mình đã trong và sáng để không dẫn đến những bám chấp và ích kỷ?
Thứ hai, học thuyết vô vi còn nói đến vô dục, bất tranh, nghĩa là con người muốn sống bình yên, an lành thì phải buông bỏ bản tính tham lam, hiếu thắng, phải trở về với bản tính tự nhiên giản dị. Càng ít can thiệp vào cái sống tự nhiên của vạn vật thì càng tốt. Con người phải sống nhàn tản, thanh cao và không màng đến danh lợi thì xã hội mới thái bình. Con người phải hướng thượng, hướng thiện, hòa hợp với thiên nhiên để trở về cái gốc trong lành nhất. Lão Tử quan niệm con người phải giữ lấy Đạo, mất đạo mới bày ra đức, mất đức mới bày ra nhân, mất nhân mới bày ra lễ nghĩa. Một học thuyết lớn và quan trọng như vậy nhưng chỉ nhìn dưới góc độ “thuận tự nhiên” như vậy để ứng dụng vào đời sống thì chưa xác đáng.
- ĐỘNG LỰC TỪ TÌNH YÊU HAY NỖI SỢ
LP giảng có 2 động lực chính trong cuộc sống, một là từ tình yêu, còn lại từ nỗi sợ. Tình yêu là thứ gì đó khi bạn làm, bạn cảm thấy hạnh phúc, khoan khoái, thư giãn, vui vẻ, nó xuất phát từ cái tâm thật bên trong… và một loạt các từ ngữ tích cực khác. Còn động lực từ nỗi sợ sẽ khiến bạn hối hả, tranh chấp, bám víu. Ví dụ tôi nấu ăn cho chồng vì tôi thích nấu ăn, thích được chăm lo bữa ăn cho chồng; chứ không phải tôi nấu ăn với mục đích là giữ chồng, sợ chồng hết yêu mình. Ý tưởng rằng chúng ta chỉ làm những gì mình thật sự thấy thích, thấy cảm hứng thật quá lý tưởng. Nhưng có mấy vấn đề sau chưa được nói đến.
- Động lực từ tình yêu? Vậy tình yêu là gì? Những cảm xúc vừa nêu liên quan đến tình yêu, nó không phải là tình yêu thật sự, mà nói đúng hơn, nó là sự hài lòng, khoái cảm. Nó dễ có mà cũng dễ mất đi, nó không lâu dài: Thích làm một điều => làm => làm xong vui => vui rồi lại hết vui. Hơn nữa, cái vui này đã là vui đúng, vui có hiểu biết chưa, Vui đã có An trong đó chưa? Hay phần nhiều sẽ có những ích kỷ, thỏa mãn cá nhân và kiểm soát tinh vi?
- Tình yêu thật sự sẽ dẫn đến trách nhiệm. LP cực kỳ không thích khái niệm “có trách nhiệm” vì cô cho rằng nó là gồng gánh, là không buông bỏ. Hiểu như vậy rất sai lầm. Chính vì yêu, vì thương nên con người sẽ hành động vì tình thương. Ví dụ, một người chủ doanh nghiệp cố gắng lèo lái công ty qua mùa dịch, để đảm bảo lương cho nhân viên. Chỉ có tình thương mới khiến họ có động lực để giữ vững trách nhiệm của một người chủ vì sau lưng họ còn biết bao gia đình. Một người mẹ đang mệt mỏi, chỉ muốn ngủ, nhưng con khóc đòi bú, mẹ vì thương con nên vẫn thức dậy trao cho con dòng sữa của mình.
- Động lực từ nỗi sợ vẫn không hoàn toàn xấu. Sợ hết tiền thì lo mà đi làm, sợ đói thì lo mà kiếm ăn… những nhu cầu căn bản không được đáp ứng thì đâm ra sợ là đúng. Nỗi sợ sẽ trở thành động lực để lao động và phát triển. Một số chị em sau khi học LP, kể cả mình, thì có xu hướng nghỉ việc, xong rồi xài tiền tiết kiệm. Mình thì không thích động vào tiền tiết kiệm nên vẫn làm job ngoài, chứ không ngồi đó mà “để anh Trụ mang tiền tới” (thêm 1 tư tưởng hết sức sai lệch). Đáng nói, nếu hiểu về nghiệp, thì việc sợ mang ác nghiệp sẽ không làm ra ác nghiệp.
- TRIẾT LÝ LƯỜI, BUÔNG BỎ
Thuận tự nhiên, thả lỏng theo dòng đời, rồi chỉ làm khi có thôi thúc từ tình yêu… tự nhiên dẫn đến lười và nghĩ như vậy là bản thân buông bỏ được. LP lan tỏa lý thuyết của mình như thế cũng như truyền bá nó trong group Lạt mềm buộc chặt. Ai sống lười, sống tỏ ra mình buông bỏ, sống thuận theo dòng đời thì được xem là… đắc đạo.
Đức Phật – đấng Đại Từ, Đại Bi, Đại Trí Tuệ, bậc Đắc Đạo, rất tiếc lại không phải là người lười và chắc sẽ rất buồn vì khái niệm buông bỏ của Người bị hiểu sai hoàn toàn. Dưới cội Bồ Đề, Đức Phật trước khi thành đạo đã tinh tấn siêng năng và bản lĩnh thệ nguyện rằng: “Nếu không đạt được đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, dù thịt nát xương tan ta quyết không rời khỏi chỗ ngồi này”. Với lời thề nguyện quả cảm như vậy, sau 49 ngày Ngài đã giác ngộ hoàn toàn và thành tựu quả vị Phật.
Kế đến, khái niệm buông bỏ của Đức Phật là sự buông khỏi tham, sân, si, ngã mạn, nghi, ác kiến, buông khỏi sự vô minh, ái dục; mà sống cuộc đời trí tuệ, hiểu biết và từ bi. Cái buông sau khi có được Tuệ, nghĩa là biết điều đúng đắn nên làm và điều cần phải buông trong kỷ luật và tỉnh thức.
Vì thế, cái buông không tỉnh thức chính là: không thích thì bỏ, không muốn thì buông. Sự buông bỏ kiểu này gọi là buông thả, muốn làm gì thì làm, và như vậy nghĩa là tự trói mình vào vô minh ái dục, tiếp tục trầm luân trong bể nghiệp.
Chưa kể, những bậc vĩ nhân, những người đã xây dựng nên nền văn minh cho nhân loại chúng ta không phải là người lười. Bậc đắc đạo thì chuyên tâm tu tập nơi rừng sâu núi thẳm, các nhà khoa học, nhà thám hiểm, nhà sáng chế hàng thế kỷ qua… khi ta có dịp tìm hiểu về bất cứ ai trong họ, thì cũng sẽ thấy họ chẳng phải là những người biếng lười.
- BÀY TỎ CẢM XÚC TƯƠI NGUYÊN
LP dạy về việc bày tỏ cảm xúc tươi nguyên như sau: nói lên mong muốn của mình một cách trong sáng và chân thật nhất, không ngụy tạo nó bằng một nỗi sợ nào khác. Ví dụ: bạn tức giận vì người yêu đến hẹn trễ, thì nên tỏ bày chân thật từ cảm xúc đến trạng thái cơ thể như “Em cảm thấy buồn, cảm thấy bồn chồn, cảm thấy lo lắng về việc anh đến trễ” chứ không phải là “Vì sao anh muộn vậy, biết tôi chờ nãy giờ không?”.
Cách nhận biết như vậy khá đúng, vì đây là bước đầu tiên trong quá trình nhận biết cảm xúc theo lý thuyết về Trí tuệ Cảm xúc EQ – là biết mình đang cảm thấy như thế nào và tác động của cảm xúc đó lên người khác.
Nhưng EQ còn có cả quản lý cảm xúc, nghĩa là Khả năng tự điều chỉnh, kiểm soát, điều hướng cảm xúc, và lường trước những hậu quả của hành vi bốc đồng. EQ còn là sự đồng cảm – khả năng cảm nhận cảm xúc của người khác, hơn nữa là sự quan tâm, cách đối xử và có hành động giúp đỡ họ. Vì thế, với trường hợp người yêu trễ giờ, bạn gái có EQ cao sẽ còn hỏi han, quan tâm ngược lại “vì sao anh đến trễ vậy? ở nhà/ở công ty đang có chuyện gì sao?”.
Do đó, việc cứ nói lên cảm xúc “tươi, nguyên chất” mà không biết điều chỉnh rất dễ làm tổn thương đối phương, tan vỡ mối quan hệ tốt đẹp. Hay trong Đạo Phật, thấy sao nói đó, thích gì thì nói sẽ tạo nên khẩu nghiệp.
- SỰ TRÀN LAN CỦA CÁC “CÔ GIÁO” CHỮA LÀNH, PHÁT TRIỂN BẢN THÂN
Cái này thì không liên quan tới LP, nhưng từ lớp học của cô, đã có rất nhiều cô gái cũng dấn thân vào thị trường tâm linh, chữa lành, tâm lý và tự xưng mình là chuyên gia hay coach. Lõm bõm vài lý thuyết, không bằng cấp về tâm lý học mà những chuyên gia tự xưng này rất tự tin để hướng dẫn và tư vấn cho người khác.
Việc không có kiến thức chuyên môn, không có nền tảng tâm lý bài bản sẽ làm nguy hại đến những người mà các bạn này tiếp cận. Khác với học kỹ năng thêu thùa, nấu ăn, cắm hoa… sự rao giảng tâm linh và tiếp cận tâm lý nếu không được đào tạo bài bản hoặc không đủ trình độ, năng lượng thanh sạch sẽ có ảnh hưởng xấu về lâu dài.
Và cuối cùng, có 3 điều mình muốn nhắn nhủ:
- Với tình hình các dịch vụ, lớp học tâm linh đang tràn lan như hiện nay, hãy thật sự cẩn trọng để chọn đúng người thầy chỉ đường cho mình. Các bạn hãy tìm đến những bậc giác ngộ, những sư thầy, sư cô có đủ cái đức và cái tầm để hướng dẫn cho mình. Một số người Thầy mình tìm học là: Thiền sư Thích Nhất Hạnh, Sư cô Thích Nữ Hằng Liên, Thiền sư Viên Minh, Thầy Minh Niệm, Thiền sư S.N.Goenka… Tất cả tư liệu, sách vở và bài giảng của các Thầy đều có sẵn trên mạng.
- Nếu bạn đang gặp vấn đề tâm lý, thì hãy tìm gặp chuyên gia, bác sĩ tâm thần ở các khoa tâm thần trong bệnh viện, hay các nhà tâm lý được đào tạo chính thống.
- Nếu bạn muốn học thiền, hãy tìm hiểu Thiền Vipassana – Pháp Thiền chính thống mà Đức Phật đã để lại, tu tập theo con đường Giới – Định – Tuệ. Hoặc các kiểu Thiền khác mà bạn thấy phù hợp, nhưng cực kỳ cân nhắc các loại Thiền Năng Lượng, Thiền mở Luân Xa (những cái này phải gặp được thầy tốt, còn không sẽ rất nguy hiểm cho linh hồn của bạn, bạn có nghe về Phù Thủy chưa?).
3 Bình luận
Cá nhân em nghĩ ngôn từ luôn có những giới hạn, đặc biệt trong những trải nghiệm sâu về mặt tâm linh. Vì vậy chị Phan Ý Ly chỉ có thể nói được đến thế, cũng giống như vô cùng khó để diễn tả hương vị quả quýt cho 1 người chưa ăn quýt bao giờ. Thực ra không nhất thiết phải bám chặt vào ngôn từ mà chỉ cần hiểu được cái ý phía sau. Ví dụ khi Trang Tử nói “dễ là đúng” thì ai cũng có thể chỉ ra bằng lập luận câu này sai ở đâu, chưa đủ ở chỗ nào. Nhưng ngôn từ chỉ có thể làm được đến vậy, cách duy nhất để thực sự hiểu là tự mình trải nghiệm.
Đúng rồi bạn! Ngôn từ luôn giới hạn và chúng ta cũng chỉ bày tỏ được 1 phần nào đó của vấn đề thôi, nhất là vấn đề tâm linh. Khi mình chia sẻ bài này mình cũng rất hạn chế và có cân nhắc từ ban đầu, rằng đây chỉ là trải nghiệm của cá nhân mình về khóa học.
hi, bạn, mình thấy về chuyện lớp học của chị LP rất phức tạp, ko đơn giản là đúng hay sai. Mình cũng hóng hớt cả trong group bóc phốt và những người ca ngợi LP. Mình thấy thật ra có những người nhận được lợi ích sau lớp học và cuộc sống tốt hơn thì họ quay lại khen LP. Những người ko được lợi ích gì sau khoá đó thì chửi bới. Nên minh cũng ko kết luận được điều gì. Có điều mình nhận ra rất nguy hiểm nếu chúng ta bắt chước lối sống của người khác mà ko nghe theo chính mình. Vì cuộc đời của mỗi người mỗi khác. Mình nghe nhiều người bảo hãy thả lỏng, nghỉ việc, mặc hở hang… nhưng mình vẫn đi làm, vẫn ăn mặc theo phong cách của mình nên ko bị thiệt hại gì.