15 49.0138 8.38624 1 0 4000 1 https://nangmaivang.com 300 0
theme-sticky-logo-alt
theme-logo-alt

Vòng xoáy khoái lạc – Bạn có thực sự hạnh phúc như mình nghĩ?

Có một lý thuyết triết học mang tên Thích nghi với khoái lạc (Hedonism adaptation), hay còn gọi là Vòng xoáy khoái lạc, nghĩa là những mong muốn của chúng ta tiếp tục thay đổi theo dòng chảy của cuộc sống. Dù là một người mới trúng số độc đắc, họ có thể sung sướng đến phát điên với số tiền khổng lồ trong tài khoản, thì chỉ một thời gian sau đó, người đó cũng trở về trạng thái bình thường như mọi người.

Bản thân chúng ta cũng thế, khi có công việc mới, khi được lên lương, mới tậu được nhà, hay vừa kết hôn, thì sự hưng cảm chỉ diễn ra tức thời. Nó chỉ kéo dài được một khoảng thời gian nhất định, rồi lại đưa mình trở về cuộc sống thường nhật, với những hoạt động bình thường đôi lúc nhàm chán, hoặc tệ hơn là những gánh nặng cơm áo gạo tiền tiếp tục đè lấy mình.

Thế nên, chúng ta phải cẩn thận với những gì mình xem là hạnh phúc, hoặc thậm chí là trạng thái hạnh phúc ngọt ngào ấy. Vì hạnh phúc thực sự, theo mình cảm nhận, không bị tác động từ môi trường bên ngoài. Giống như Đức Phật từng dạy bảo, thì hạnh phúc của sự giải thoát, mới chính là niềm hạnh phúc tối thượng. Vượt thoát khỏi đau khổ, phiền lo, khỏi tham ái và vô minh, mà điều này giữa thế gian con người làm sao có thể đoạn trừ được hoàn toàn? Và chẳng lẽ, chúng ta sẽ không thể nào đạt được hạnh phúc tối thượng sao?

Và khi trạng thái hạnh phúc vơi đi, con người lại tiếp tục tìm kiếm những đỉnh cao khác để đạt được hạnh phúc một lần nữa. Người có xe muốn đổi chiếc xe xịn hơn, người đang xài iPhone muốn cập nhật thêm cái điện thoại iPhone đời mới hơn (mà con nhỏ đồng nghiệp vừa mua rồi, không lẽ mình thua nó)… Người đang có tất cả – thì muốn có tất cả của tất cả. Ví von hơi quá, nhưng ý mình là mọi nỗ lực này sau cùng cũng để thỏa mãn và đạt được trạng thái hạnh phúc mà ta đã trải qua. Và bởi vì nó quá nhanh, nên càng phải tìm cách để có lại. Đi vào vòng xoáy khoái lạc biết chừng nào mới có thể dừng bước, nói như ngôn ngữ Phật giáo là trôi lăng mãi vào bóng tối, tới khi nào mới nhìn thấy Sự Thật.

Hình của em Ngọc Võ trên Facebook vẽ, em cho mọi người sử dụng hình thoải mái 🙂

Cuộc sống freelancer của mình cũng đã từng chìm đắm trong hạnh phúc lâng lâng, của sự tự do, tự chủ, của niềm vui khám phá bản thân và những chuyến trải nghiệm đó đây. Nhưng theo lý thuyết vòng xoáy khoái lạc, nó sẽ phải cạn đi. Thực tế thì sao, nó đang cạn thật! Vì hạnh phúc này không phải là đích đến thật sự. Mình muốn có nhiều job hơn mỗi tháng, đã có. Mình muốn sống ở nơi kia một thời gian, đã xong. Mình muốn học thứ này thứ kia, chẳng biết bao giờ kết thúc. Cái muốn của mình, cũng chẳng khác gì với cái tham vật chất hay bề ngoài, mình tham kiến thức, tham trải nghiệm và tham sự tăng trưởng trong tâm linh. Nói về cái tham, thì nó đều giống nhau cả.

Giống như mục đích của cuộc đời bạn không phải là ăn rau xanh để sống khỏe, mà bạn phải sống một cuộc sống cân bằng, một chế độ dinh dưỡng phù hợp để khỏe. Còn ăn rau xanh chỉ là một trong những yếu tố quan trọng của chế độ ăn uống lành mạnh. Mình ví von như vậy, để khẳng định là mọi hình thái cuộc sống, công việc nó không phải là đích đến để cho bạn hạnh phúc được.

Thật là cam go, làm kiểu này kiểu kia, loay hoay mãi vẫn không thấy thế nào là hạnh phúc đích thực, mà bảo sống như lời Phật dạy thì chưa dám vì còn sức suy lực yếu.

Khi đi chậm lại sẽ thấy cảm nhận được dòng xe, khi ngừng một chút sẽ cảm nhận được bầu không khí, hoặc khi nhai chậm hơn bạn sẽ cảm rõ hương vị của món ăn, vòng xoáy khoái lạc không thể ngừng lại vì mỗi ngày mỗi tháng chúng ta còn đang trải nghiệm trong cuộc sống này. Nhưng nó có thể quay chậm lại, với sự nhận thức rõ ràng và sự quan sát nhạy bén, rằng điều gì là tức thời, điều gì có ý nghĩa cho mình và mang lại ý nghĩa cho cả những người xung quanh. Chúng ta đều cần niềm vui, đều muốn vui vẻ, nên không cần phải cố gắng khắc chế mình, mà hãy nhận biết những mong muốn của mình. Và sẽ càng tốt đẹp hơn khi mong muốn của mình chẳng những giúp mình hạnh phúc mà còn giúp đỡ được những người xung quanh.

Một quý Sư Cô mà mình rất ngưỡng mộ từng nói, “Điều còn lại trong đời của chúng ta là những gì ta để lại cho người”. Những gì ta để lại cho người, hay chính là sự cho đi, sự dâng tặng những giá trị và niềm vui cho người khác. Hay nói cách khác, sự dâng hiến là cách để vòng xoáy ham muốn của chúng ta được phá vỡ. Không còn gói gọn trong những ham muốn của cá nhân, chúng ta làm giàu và làm đẹp cho người khác thì sự mãn nguyện được nhân đôi và tồn tại lâu dài hơn. Hay như Deepak Chopra từng nói, “Sự thịnh vượng của bạn là những gì bạn mang đến cho người khác”. (Nhưng phải nhớ là mang đến khi họ cần, họ hỏi, chứ không phải tự dưng một ngày muốn làm người tốt rồi vẽ chuyện khuyên bảo hết người này đến người kia).

Do vậy, hãy cẩn trọng với hạnh phúc của mình, là một vòng xoáy ngọt ngào đầy cám dỗ hay một nấc thang cho bạn bước đến cuộc đời trọn vẹn? Phải tỉnh giác mới biết được.

Chia sẻ:
BÀI TRƯỚC
Jazzing – Hãy phiêu đi!
BÀI KẾ TIẾP
Phỏng vấn với Writer Life: “Freelancer là con đường giúp tôi tìm về bản thân”

0 Bình luận

Leave a Reply