15 49.0138 8.38624 1 0 4000 1 https://nangmaivang.com 300 0
theme-sticky-logo-alt
theme-logo-alt

Tam thường bất túc và lầm tưởng về yêu bản thân

Đến với khóa Thiền Vipassana 10 ngày, các thiền sinh có dịp trải nghiệm đời sống chân thật của một người xuất gia. Trải nghiệm đời sống tam thường bất túc – mặc đơn giản, ăn không no, ngủ không nhiều. Dĩ nhiên là còn phải giữ giới tịnh khẩu suốt khóa tu và ngồi thiền 10 tiếng một ngày. Thiền sinh gần như được đoạn trừ rất nhiều khía cạnh của dục vọng và tham cầu của đời sống hằng ngày: mặc đẹp, ăn ngon và ngủ đủ – đều không còn nữa.

Việc trở về những gì giản dị nhất, là để thọ Tám Giới (Bát Quan Trai) giúp thân tâm được thanh tịnh mới có thể bước vào học thiền. Cụ thể, tám giới đó là:

  1. Không sát sinh;
  2. Không trộm cướp;
  3. Không dâm dục;
  4. Không nói dối;
  5. Không uống rượu;
  6. Không trang điểm, dầu thơm, múa hát và xem múa hát;
  7. Không nằm ngồi giường cao rộng đẹp;
  8. Không ăn quá giờ ngọ.

Nghe có vẻ khắc nghiệt phải không? Nên mình đã phải chuẩn bị gần cả năm mới dám đi khóa thiền Vipassana vì mình biết đây là đi tu, chứ không phải là một cuộc dạo chơi trong một khóa học nào đó. Mình không muốn nói nhiều về khóa thiền vì không dám gieo những ý kiến cá nhân, làm ảnh hưởng đến trải nghiệm của người sau. Những gì mình có thể nói, thì đây là pháp tu thiền Giới – Định – Tuệ, đi theo con đường của Đức Phật để lại một cách trực tiếp. Trực tiếp nghĩa là đi đường thẳng, không vòng vo dưới bất kỳ một hình thái thiền nào khác.

Trở lại “Tam thường bất túc” trong đời thường, nơi mình và bạn đang sống, một thế giới xoay vần bởi chủ nghĩa tiêu dùng và hưởng thụ. Những trò tiêu khiển, những món đồ từ bình dân tới hàng hiệu, những thú vui tinh thần và trăm ngàn cách hưởng thụ cho thỏa mãn tấm thân… mọi thứ đi liền với chữ “dục” đã và đang cuốn con người vào nhiều đam mê, cũng giống như Vòng xoáy khoái lạc mà mình đã từng viết.

Có người sẽ hỏi: tôi không sống hưởng thụ thì phí cuộc đời quá, rằng tôi làm có tiền, tôi làm cực khổ thì tôi phải được thụ hưởng những dịch vụ cho tinh thần và cơ thể sung sướng!

Đúng là không ai cấm mình hưởng thụ cả, nhưng hưởng thụ mà không có điểm dừng mới là đáng nói. Hưởng thụ mà không hiểu rằng hưởng quá nhiều sẽ tổn phước, và gây nợ với chúng sanh. Mỗi bữa ăn, mỗi giây phút sống trên đời này, chúng ta nợ quá nhiều sinh mạng và nguồn năng lượng của tự nhiên. Nên, ăn quá nhiều, mua sắm thừa mứa, chơi bời xa xỉ… là càng nợ nhiều hơn với thế gian. Mà có nợ thì ắt có trả. Kho phước báu cũng giống như tài khoản tiết kiệm của bạn vậy, xài quá nhiều sẽ bị hao hụt, thậm chí vay thêm nợ. Các nhà tài chính hay nói tiền phải được tiêu xài đúng mục đích và đem đi đầu tư. Thì phước cũng giống vậy, phải sử dụng có chừng mực và biết cách sống làm tăng thêm phước báu thông qua 10 thiện nghiệp.

Có câu chuyện trên mục Tâm sự của báo VNExpress (chuyên mục này khá khôi hài và mang đậm tính giải trí): một người đàn ông khi còn trẻ sống rất phóng túng, quan hệ tình dục phong lưu, đến tuổi trung niên anh ta bị bệnh liệt dương, và sau đó tìm đến chuyên mục Tâm sự để chia sẻ. Chưa bàn đến độ thực hư của câu chuyện, nhưng phải thấy được là chính lối sống làm tổn phước báu ngày còn trẻ là nguyên nhân của căn bệnh hiện tại. Liệt dương, chính là một dấu hiệu cho anh biết rằng anh đã hết phước. Anh cần học cách cải thiện sức khỏe, cân bằng thân tâm, kiểm soát dục vọng, thay vì tìm một giải pháp chữa liệt dương để tiếp tục rơi vào hưởng thụ thân xác.

Lầm tưởng về yêu bản thân

Mình đã có thời gian sống hưởng thụ, dưới nhiều hình thái khác nhau và cực kỳ tinh vi. Không cần kể nhiều đến các lối hưởng thụ phổ biến hiện nay của người trẻ như ăn uống, bar bọt, quần quần áo áo, mỹ phẩm v.v, đáng nói là lúc bắt đầu hành trình “yêu bản thân”, mình càng bị kích thích phải hưởng thụ thì mới gọi là yêu bản thân. Cảm hứng từ rất nhiều hội nhóm tính nữ, thả lỏng, yêu yêu đương đương, rằng phụ nữ phải đẹp, phải chăm sóc bản thân, phải lộng lẫy như nữ hoàng. Cái đẹp của phụ nữ không ai phủ nhận, nhưng không cần thiết gắn liền với chủ nghĩa hưởng thụ, bao gồm quần áo lụa là, trang điểm dày cộm, nghỉ ngơi phóng túng và một lối sống “cá nhân” chẳng cần quan tâm đến cảm xúc của ai.

Khái niệm yêu bản thân đang dễ bị hiểu nhầm với lối sống hưởng thụ. Cũng rõ thôi, vì chúng ta cứ nghĩ yêu là phải đắp thêm, chứ yêu làm sao có thể bớt ra, lấy ra. Yêu là phải bồi vào, cho vun, cho đầy. Yêu là phải cho, anh cho em nhiều quà, mẹ chiều con ăn những gì con thích. Thế nên, yêu bản thân cũng là cho bản thân thật nhiều. Cái “cho” không tỉnh thức thường lầm lạc sang… thụ hưởng. Nhưng cũng nghịch lý, phải hưởng rồi mới biết nó không bền, mới biết đó chỉ là cái bề ngoài đắp thêm bao nhiêu cũng chẳng thể trọn vẹn. Chứ mới bắt đầu biết yêu bản thân, mà bắt “tam thường”, bắt sống giản dị và “trông khổ khổ” thì có phải muốn nghỉ khỏe không?

Cần có một bản ngã, mới có thể tập bỏ bản ngã xuống. Cần phải biết hưởng thụ cái đã, rồi sẽ buông bỏ được hưởng thụ. Tập tính của chúng ta là vậy, chưa biết được sẽ không cam tâm, khó chịu một cái sẽ phản ứng liền. Nói vậy không phải mình cổ súy cho lối sống đầy khoái cảm, mà ý là hãy nếm thử, rồi quyết định xem có nên ăn tiếp hay không. Thử, một chút, để không tò mò, hối tiếc, để dứt khoác đưa ra được chọn lựa cho mình. (nhưng trừ ra mấy thứ đặc thù không nên thử thì ai cũng biết rồi nhé).

Vì vậy, yêu bản thân là đắp thêm và bớt ra một cách có ý thức, đắp đúng và bớt đúng. Bớt đi dục vọng, tham sân, bớt đi những thói hư tật xấu, bớt đi (thậm chí là bỏ đi) con người cũ kỹ lúc trước. Để làm gì? Trước hết là để có thêm thời gian cho chính mình, sau là để có chỗ nhằm xây đắp những điều mới mẻ, tốt đẹp.

Vì sao xu hướng “lối sống tối giản” lên ngôi trong mấy năm gần đây, có lẽ cũng là hướng đến một tình yêu bản thân thực thụ. Sở hữu ít hơn để được nhiều – tự do và hạnh phúc – hơn.

Plum Village Bordeaux France – Ảnh: Yvonne Kell-Stefani

Dạo này mình cũng muốn mua sắm nhiều, vì đang chuyển chỗ ở và bắt đầu công việc mới. Lập tức những mô thức cũ hiện về, phải mua cái này, cái kia, phải có ngay lập tức những tiện nghi, trong khi rõ là mình biết mình chẳng cần nhiều đến thế. Sống giản dị 10 ngày ở thiền viện, bao nhiêu chuyến leo núi tinh gọn đồ đạc… nhưng đụng việc vẫn cứ dâng lên những tham cầu. Yêu bản thân không chỉ là làm lành với mình, lắng nghe nhưng không chiều chuộng thái quá, mà còn phải biết “răn đe” đúng chỗ, đúng tội. Giống như dạy một đứa trẻ, thì cũng đúng, ta đang dạy đứa trẻ bên trong mình chứ còn gì khác.

Mọi sự tiêu thụ, xét về phương diện chất lượng sống chỉ là một phương tiện để đạt được hạh phúc. Do đó, mục đích là đạt được hạnh phúc tối đa với tiêu thụ ít nhất. Càng ít công sức bỏ ra thì sẽ càng có nhiều thời gian và sức lực còn lại để sáng tạo. Trong khi đó, những quan niệm của cuộc sống kinh tế hiện đại đã đi ngược lại, xem tiêu thụ là đích đến cuối cùng cho mọi hoạt động, và dùng mọi phương thức để kích thích lòng tham của con người. Cái gì cũng thấy có nhu cầu, có mong muốn, món hàng nào cũng muốn sở hữu… mà ngành Marketing chính là “bệ phóng” làm tăng trưởng những nhu cầu đó…

Nhưng mình thì đang làm trong ngành này, nên thôi mình tạm dừng bút không nói tiếp nữa…  🙂

Chia sẻ:
Chuyên mục:Cảm hứng sống
BÀI TRƯỚC
Con đường chẳng mấy ai đi – Cuộc trò chuyện giữa Tâm lý học và Tâm linh  
BÀI KẾ TIẾP
Lăn xả vào đời – một lần nữa!

0 Bình luận

Leave a Reply