15 49.0138 8.38624 1 0 4000 1 https://nangmaivang.com 300 0
theme-sticky-logo-alt
theme-logo-alt

Sống với nghề viết – P3: Sự hoà quyện của 4 tâm thế tạo nên trạng thái viết tốt

Mình đã nhiều lần tự hỏi bản thân về một trạng thái viết như thế nào mới gọi là thoả mãn và chính xác. Dù là viết cho khách hàng hay viết cho chính mình thì phải có đầy đủ tâm thế tốt trước khi gõ tay lên bàn phím, giống như một hiệp khách phải luyện công trước khi tung chưởng.

Viết ở đây là viết một nội dung hoàn chỉnh, có ý nghĩa và giá trị về mặt thông tin, đó có thể là bài báo, bài quảng cáo, bài PR, kịch bản cho khách hàng hay là một bài blog cá nhân muốn truyền tải thông tin đến người đọc. Tâm thế này vượt qua chuyện chỉ cần có cảm hứng viết, tâm thế không đợi cảm hứng đến được mà phải có một hành trình chuẩn bị kỹ lưỡng.

ĐỦ ĐẦY VỀ MẶT THÔNG TIN, TƯ LIỆU 

Đừng bắt đầu viết khi bạn vẫn còn mơ hồ về sản phẩm, chưa nhìn rõ được chân dung người dùng hay còn “cảm giác” chưa tiêu hoá được hết tinh thần và nội dung mà khách hàng đưa ra. Con chữ của bạn sẽ không thể tuôn chảy được khi bên trong mình vẫn chưa thông suốt hết các thông tin. Tưởng tượng giống như bạn sắp múa kiếm mà chưa luyện kỹ võ thuật vậy.

Trước khi viết bài, mình cần phải tìm hiểu, đọc càng nhiều thông tin về lĩnh vực sắp viết càng tốt. Đó là cơ chế nạp năng lượng vào để con chữ mới có thể dâng trào ra được. Hãy thử nhìn lại những cảm giác viết trước đây xem có thấy sai sai điều gì hay không? Nếu đó là tình trạng muốn viết nhưng cái đầu trống rỗng, nếu đó là cảm giác “thiếu thiếu” mà quá nhiều sự cảm tính trong bài… thì có thể bạn chưa chuẩn bị kỹ càng về mặt thông tin và tư liệu cho bài viết.

Với mình, những bài viết đơn giản thì chỉ mất tầm 1 tiếng để tìm hiểu và đọc, nhưng có những đề tài khó hơn mình phải mất 1 đến 2 ngày mới tiêu hoá và thẩm thấu hết được tinh thần của sản phẩm cũng như hành vi của người dùng. Viết – là một hình thức lao động cần mẫn và chăm chỉ của tâm trí trước khi để những cảm xúc dẫn dắt cho ngôn ngữ được phơi bày.

Nữ tiểu thuyết gia người Mỹ, Lisa See có một câu nói thú vị “Đọc một ngàn quyển sách đi, rồi ngôn ngữ của bạn sẽ chảy như một dòng sông”. Chúng ta – những người viết kiếm sống có thể không đọc đủ 1000 quyển sách được như bà nói, nhưng mình biết rằng công việc nghiên cứu và thu thập thông tin rất quan trọng góp phần tạo nên tâm thế  sẵn sàng cho người viết.

SỰ SẴN LÒNG VÀ TRÁCH NHIỆM

Sau khi thu thập đủ thông tin và tự cảm thấy hài lòng với những gì thu nhặt được, hãy bắt đầu viết ra với một tinh thần trách nhiệm và sẵn lòng đáp ứng cho công việc. Nhiều bạn sẽ hỏi rằng nếu đến đây vẫn chưa thể viết thì phải làm sao? Bằng cách lập trình lại suy nghĩ một chút về một hình ảnh người viết trách nhiệm hơn cho công việc, bộ não của bạn sẽ khởi động được ngay bởi vì chúng ta không ai muốn trở nên viết tệ hay chậm deadline của khách hàng phải không?.

Hình thành được suy nghĩ về lòng trách nhiệm sẽ tạo nên một thói quen tốt để xây dựng sự nghiệp viết về lâu dài, đồng thời mang đến cho khách hàng những sản phẩm chất lượng, ổn định và không bị trễ deadline.

Vượt xa chuyện viết lách, trong cuộc sống cũng không có giai đoạn nào hoàn hảo để bạn cảm thấy sẵn sàng. Nếu không bước đi một bước đầu tiên, thì sẽ không bao giờ đến đích được. Mới đây, mình đọc bài báo về anh Trần Đặng Đăng Khoa, người đi vòng quanh thế giới trong 1111 ngày bằng xe máy. Anh đã chia sẻ rằng: “Mình đã dám đấu tranh với bản thân để lên đường thì xem như thực hiện được 90% rồi, 10% còn lại chỉ là… let it be thôi”.

CẢM GIÁC ĐƯỢC BÓC TRẦN

Đây chính là lúc để tâm trí hoà quyện cùng cảm xúc và trải nghiệm để tạo nên những nội dung chất lượng. Viết, là thể hiện cái tôi, sự hiểu biết của bạn cùng cảm xúc thấu hiểu đối tượng mục tiêu. Nếu viết hết mình, dành trọn tâm trí cho nội dung, bạn sẽ có cảm giác như bị bóc trần thành từng mảnh chân thật, rằng những tìm hiểu của tôi, những tư liệu của tôi, những cảm xúc của tôi và câu chuyện đời tôi… đã được trình bày lên đây cho mọi người xem hết rồi.

Có một câu nói mình rất thích của nhà văn Neil Gaiman: “Cái khoảnh khắc mà bạn cảm thấy rằng, có lẽ thôi, mình đang trần truồng bước đi trên phố, để lộ ra trái tim, để lộ ra tâm hồn, để lộ ra tất cả những gì tồn tại bên trong mình, phơi bày ra hết những gì mình có. Đó là khoảnh khắc mà có lẽ bạn đã bắt đầu đi đúng hướng”. 

Mình thường có cảm giác bị soi thấu gan ruột cho khách hàng thấy qua từng nội dung của mình. Hồi còn mới vào nghề, mỗi lần gửi tin bài, nhất là bài viết phân tích – tổng hợp cho sếp ở báo Thanh Niên, mình luôn thấp thỏm lo lắng vì sợ bị thể hiện bản thân nhiều quá và mình sống trong sự tự ti từ lúc bấm email gửi đi. Mãi đến sau này làm lâu hơn, mình mới hiểu “cảm giác được bóc trần” là một trạng thái tích cực cho người viết vì đây là khoảnh khắc tạo nên sự chân thật để kết nối với người đọc tốt hơn.

CẢM THẤY THOẢ MÃN

“Nếu chưa cảm thấy hài lòng và tâm đắc với những gì bạn viết, xin đừng gửi đi” – Mình luôn nhắc bản thân như vậy từ những ngày đầu tiên làm nghề. Vì mình không thích cảm giác hối tiếc với hàng loạt suy nghĩ giá như: giá như mình biên tập kỹ hơn, giá như mình tìm hiểu thông tin tốt hơn, giá như bổ sung thêm dẫn chứng này sẽ khiến bài viết chặt chẽ. Đương nhiên, mình không theo đuổi sự hoàn hảo tối cao cho bài viết, nhưng mình luôn nghe theo cảm giác thoả mãn của trực giác mách bảo: “Bài được rồi, ổn rồi, bạn cũng đã chỉnh sửa kha khá, vậy thì hãy tự tin gửi đi nhé”.

Cảm giác này xảy ra khi bạn gửi đi cho khách hàng mà không còn lăn tăn lo nghĩ về lỗi sai, không còn thấy bản thân chưa đủ tốt, đủ giỏi. Bạn sẽ yêu bản thântin vào chính mình nhiều hơn. Bạn sẽ tự tâm niệm rằng mình đã làm tốt nhất phần mình trao gửi cho khách hàng rồi, nếu còn lỗi sai hay cần chỉnh sửa thêm thì xem như đây là kinh nghiệm mình cần học hỏi để tiến bộ hơn mỗi ngày.


Mình thấy là 4 tâm thế này không chỉ ứng dụng được cho viết lách, mà còn áp dụng được cho công việc và đời sống hằng ngày. Đó là sự sẵn lòng, tinh thần trách nhiệm, sự chân thật, tự tin vào bản thân và luôn có tinh thần học hỏi, tìm hiểu cũng như nghiên cứu thông tin.

Mời bạn đón đọc thêm những bài viết trong Series Sống với Nghề Viết của mình nhé!

Chia sẻ:
Chuyên mục:Chuyện viết lách
BÀI TRƯỚC
Thực hành yêu bản thân với 3 nghi lễ sung sướng cho cơ thể
BÀI KẾ TIẾP
Sống với nghề viết- P4: Một món quà giá trị nhất nghề viết cho tôi!