Sống với nghề viết – P2: 3 Tố chất cốt lõi làm nên một người viết có tâm và tầm
Là một người cầm bút kiếm sống trong 6 năm qua cũng như từ nhỏ đã là một cô bé say mê văn thơ, sách vở, mình nhận thấy mỗi người viết đều có một màu sắc riêng cho vườn hoa chữ nghĩa thêm rực rỡ, nhưng cốt lõi thì những cây bút có tâm và có tầm đều sống với nghề viết bằng 3 tố chất trụ cột sau đây.
Trải nghiệm sống phong phú
Viết lách sáng tác không phải là công việc lao động mà là một trạng thái thăng hoa của tâm hồn, khi từng chất liệu đời sống thông qua trải nghiệm của tác giả được phơi bày lên con chữ. Một nhà văn, hay người viết càng hay thì những câu chuyện và trải nghiệm của họ phải cực kỳ thú vị và độc đáo. Trải nghiệm này đến từ đời sống cá nhân, óc quan sát tinh tế cộng với vốn hiểu biết, ham học hỏi và tìm hiểu những điều mới lạ trong cuộc sống.
Không còn quá ngạc nhiên khi những Dế mèn phiêu lưu ký, Vang bóng một thời, Tắt đèn, Số đỏ, Chí phèo, Đất rừng Phương Nam… những tác phẩm kinh điển của văn học xưa vẫn còn nguyên giá trị cho đến ngày hôm nay bởi câu chuyện trong các tác phẩm là một thế giới đặc thù qua lăng kính độc đáo của từng nhà văn. Hay nói đến các tác phẩm hiện đại hơn, mình thích đọc Kính vạn hoa của Nguyễn Nhật Ánh, truyện của Phạm Lữ Ân hay nhiều bộ sách của thiền sư Thích Nhất Hạnh, thiền sư Minh Niệm. Mỗi tác giả đều cho mình thấy rằng chính sự trải nghiệm và dấn thân vào cuộc đời, sống trọn vẹn mọi khoảnh khắc là chìa khoá mở ra kho báu chất liệu sáng tác và viết lách.
Với người trẻ yêu viết, sống bằng nghề viết như mình, trải nghiệm sống là điều mà bản thân mình cũng đang thu nhặt và tích cóp hằng ngày để xây dựng nên một kho tàng ý tưởng, làm phong phú đời sống tâm hồn của mình. Minh tin chắc rằng người viết tốt phải luôn là một người sống với nhiều trải nghiệm phong phú và có một tâm hồn rộng lớn.
Khả năng kể chuyện bằng ngôn từ
Ngôn từ là công cụ và vũ khí duy nhất của một người cầm bút. Thông qua ngôn từ, những trải nghiệm, câu chuyện, suy nghĩ và tình cảm của tác giả mới được ra đời để đi đến trái tim độc giả. Khả năng sử dụng con chữ, biến hoá và thăng hoa cùng ngôn từ là điều mà suốt đời một người viết phải trau dồi, học hỏi; đồng thời xây dựng được phong cách ngôn ngữ riêng. Từ thời đi học, mình đã mê đắm chất trữ tình của Xuân Diệu, sự nhẹ nhàng ấm áp của Thạch Lam, hay những vần thơ đầy tính nữ của Xuân Quỳnh…
Hơn nữa, ngôn ngữ tiếng Việt của chúng ta cũng lắm “phong ba bão táp”, sử dụng ngôn ngữ chính xác và phù hợp là cả một quá trình học hỏi mà một quyển từ điển tiếng Việt đích thị là người bạn đồng hành không thể thiếu. Theo nghề viết, mình tự ý thức phải tra từ điển thường xuyên hơn, tìm hiểu cả về từ trái nghĩa, đồng nghĩa, hay các từ là lạ… Cứ viết và đọc lại một hồi là phát hiện được từ nào mình nghĩ mình chưa sử dụng đúng rồi tra cứu ngay. Thói quen này giống như một chiếc radar rà soát ngôn ngữ, càng tập sẽ càng nhạy bén.
Đặc biệt, năng lực ngôn từ còn là một món quà đáng quý cho bất kỳ ai muốn viết và thể hiện cảm xúc qua con chữ. Còn gì tuyệt vời hơn khi bạn có thể viết được những gì bạn đang khao khát bộc lộ. Gần đây, mình được nhiều bạn nhắn tin tâm sự là không thể viết được những gì trong đầu suy nghĩ, cứ đặt bút xuống là viết khác hoàn toàn hoặc bạn luôn cảm thấy bất lực trong việc diễn đạt ngôn từ. Thật ra, khả năng viết là một viên ngọc đã có sẵn trong mỗi người. Chúng ta đa số đều được đi học, biết đọc, biết viết từ ngày nhỏ cơ mà, thế nhưng không phải ai cũng biết cách khơi dậy khả năng viết và mài giũa cho viên ngọc quý trong mình sáng lên.
Khả năng thấu cảm người đọc
Trong quá trình tích luỹ kinh nghiệm sống, làm phong phú đời sống tâm hồn, có một yếu tố để tạo nên một người viết đẹp, đó là khả năng thấu cảm với con người và vạn vật xung quanh. Sự thấu cảm là khả năng hiểu sâu sắc và cảm nhận được nhân vật hay đối tượng độc giả mình đang hướng đến.
Nói như trong marketing hiện đại là hiểu được “insight” của người dùng, còn mình thì muốn gọi sâu hơn bằng định nghĩa “người thấu cảm”. Dù là bạn viết blog cho độc giả hay làm truyền thông cho thương hiệu thì đều cần “sống” vào thế giới của khách hàng để biết được họ đang cần gì, khao khát và mong đợi gì từ những nội dung mà bạn truyền tải ra.
Một tác phẩm viết cho thiếu nhi như Dế Mèn phiêu lưu ký của Tô Hoài hay Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ của Nguyễn Ngọc Thuần trước hết là một thế giới tuổi thơ sống động của tác giả. Họ phải trở về cuộc sống của đứa trẻ thuần khiết và thơ ngây như thế nào để mới viết ra được những câu chuyện hấp dẫn với trẻ em lẫn người lớn như thế!
Còn đối với thương hiệu, khi viết về một sản phẩm nào đó, mình cũng cần hiểu được đối tượng khách hàng của thương hiệu là ai, không chỉ vẽ ra được chân dung của họ mà phải đào sâu vào thế giới tâm lý và “nhập vai” vào cuộc sống của họ nữa. Ví dụ viết sản phẩm cho mẹ bầu thì hiểu cuộc sống phụ nữ mang bầu, viết sản phẩm cho đàn ông thì hiểu tâm lý phái mạnh, viết bất động sản thì hiểu nhu cầu và tâm lý của người đi mua nhà v.v Không ít trường hợp người viết là một tính cách khác mà sản phẩm họ viết lại là một trường phái đối lập, mình gặp cũng khá nhiều.
Như một miếng mút thấm cảm xúc và suy nghĩ của người khác, người viết giống với xu hướng của một người thấu cảm cao. Nghe thì có vẻ khả năng thấu cảm sẽ mang đến ít nhiều mệt mỏi cho người viết. Nhưng không phải vậy, điều quan trọng là sự thấu cảm của mình xuất phát từ tình yêu thương và chấp nhận sự khác biệt của người khác. Chúng ta không đánh giá và không phán xét, thì chẳng còn gì gọi là nên hay không nên, tích cực hay tiêu cực nữa, mà chỉ dừng lại ở cái “Biết” và “Cảm” về đối tượng người đọc hay khách hàng mà thôi.
Ba tố chất này không phải ngày một ngày hai là chúng ta sẽ có được, mà đây là cả quá trình phát triển cho bản thân lẫn nghề nghiệp. Mình ngẫm thấy được sống với nghề viết cũng hay quá chừng, vừa học về nghề mà cũng là học về đời. Bất kể mình có phải là một cây bút tốt, một người viết nổi tiếng hay không, thì những điều mà mình trải nghiệm được từ nghề này cũng là một đặc ân đáng giá của cuộc đời.
Hãy đón đọc những phần tiếp theo trong series Sống với nghề viết của mình nhé!
1 Bình luận
mình cần tư vấn về viết lách để kiếm tiền, hiện tại mình có
1/ nội tâm phong phú, trải nghiệm cuộc sống ở tuổi 30
2/ thấu hiểu và tâm lý với những người, vạn vật và thiên nhiên mình gặp…cảm về chúng
3. mình cần viết để giải tỏa và giữ lại những điều tốt đẹp cho cuộc sống này…viết về những trải nghiệm của bản thân