Phép lạ của một mùa an cư
Chỉ còn chưa đầy 2 tuần nữa là kết thúc năm 2020 nhiều bất ngờ, nhìn lại mười hai tháng qua, điều đầu tiên mình nghĩ đến chính là bản thân được thực hành pháp “an cư kiết hạ” mà giờ mới nhận ra và trải nghiệm có phần sâu lắng hơn.
Theo lịch sử Phật giáo, thời gian ba tháng mùa mưa ở Ấn Độ là lúc côn trùng sinh sôi nảy nở, cây cỏ phát triển tốt tươi, các thầy tỳ-kheo trong Tăng đoàn của Đức Phật vì lòng thương chúng sanh mà không ra ngoài vào thời điểm này để tránh giẫm đạp lên các loài côn trùng vô tội. Trong ba tháng, chư tăng ni dành trọn thời gian cho việc tu học và trau dồi Giới – Định – Tuệ. An kỳ tâm, cư kỳ thân – nghĩa là ở yên một chỗ và tâm được an lạc. Đến nay, pháp “an cư kiết hạ” vẫn còn nguyên giá trị và có ý nghĩa rất lớn với người xuất gia lẫn phật tử.
Năm 2020 đã mang đến cho mọi người mùa an cư theo một cách không ngờ và có chút hoảng loạn trong thời điểm đầu. Chúng ta đã lo lắng, bất an, và không chịu nổi việc phải cấm túc ở nhà, ra đường cách nhau 2 mét, còn những chuyến du lịch thì tan thành mây khói.
Tháng 3.2020, trước thời điểm bùng dịch lần một tại TP.HCM, mình đã định apply hồ sơ đi xin việc full-time văn phòng trở lại. Vì lúc đó mình cũng không rõ định hướng tiếp theo của bản thân sau một năm làm freelancer đi khắp nơi. Càng tìm kiếm, càng apply thì thông tin về dịch bệnh cũng tiến gần hơn mỗi phút giây. Nhiều dấu hiệu, nhiều ca bệnh bắt đầu xuất hiện, mình chẳng còn nhớ rõ số lượng, nhưng cứ thấy chuyện đi làm lại trên thành phố bắt đầu xa dần và xa dần…
Những người bạn mình lần lượt được cho làm việc tại nhà, những đứa em học đại học trên thành phố thì về quê và chuyển sang học trực tuyến, mẹ mình cũng ở nhà mỗi ngày trước lệnh trì hoãn nhập học vào học kỳ hai của trường. Vậy thì mình đi ngược dòng lên thành phố để làm gì?
Mọi người đang thích ứng với chuyện làm việc từ xa, bắt đầu lộ ra những xao nhãng và sự vô kỷ luật khi không có cơ chế kiểm soát của tổ chức hay quy định điểm danh, quẹt thẻ mỗi sáng vào công ty. Làm từ xa – remote working, thậm chí còn trở thành đề tài của nhiều bài viết về xu hướng làm việc trong tương lai, thách thức khả năng quản lý bản thân của người nhân viên lẫn sự kết nối thông suốt của công nghệ. Một lần nữa, vậy mình đi ngược dòng trở về cuộc sống “điểm danh” trong một tổ chức để làm gì?
Vẫn là những ngày làm việc chăm chỉ dù ở bất cứ đâu – freelancer là thế.
Và thế là mình vẫn tiếp tục mùa an cư trong những tháng sau đó. Mình không phải người tu hành, cũng không trải nghiệm thiền tập nhiều như những người bạn đã từng đi khóa thiền Vipassana. Một cuộc sống an toàn và tĩnh lặng bên gia đình trong vài tháng đem lại cho mình sự dễ chịu và có phần thoải mái: những bữa ăn đầy đủ mỗi ngày, công việc từ xa của một freelancer vẫn tiếp tục, sự quan tâm của gia đình, sinh hoạt và vui chơi cùng nhau… Sự ru ngủ của tâm trí trong thời gian ngắn tạo nên cảm giác thỏa mãn, cho đến khi mình muốn có thử thách tiếp theo.
Tháng 7 và 8.2020, mình quyết định có thời gian trải nghiệm nho nhỏ ở Hội An trong hai tháng. Khi vừa sống một tháng tận hưởng cảnh sắc tại vùng đất Hội An xinh đẹp, đợt dịch thứ hai bùng phát tại Đà Nẵng, và gần như cả tỉnh Quảng Nam phải “bế quan tỏa cảng”. Mình tự nhủ, “Thế là lại bị cách ly nhưng ở xa gia đình, chắc hẳn sẽ trải qua nhiều cảm xúc hay ho đây”. Và đúng thật, khi mình chấp nhận chào đón những hoàn cảnh tiếp theo của cuộc sống, thì hàng loạt những trải nghiệm hỗn độn đã diễn ra theo cách không ngờ.
Trong hơn một tháng giãn cách, lệnh phong tỏa mang theo sự đìu hiu và cô đơn đã quật ngã mình từng ngày. Mỗi ngày thức dậy như cuộc chiến với một khoảng không tĩnh lặng, không có bữa cơm gia đình, không có những điều quen thuộc, lại cách xa bạn bè và người yêu thương, mình nói với bản thân, “Có lẽ đây là lý do tỷ lệ tự tử trong mùa dịch corona ở Nhật Bản tăng cao chăng?”. Mọi người, trước khi bị đại dịch xâm nhập cơ thể, thì đã tự ngã mình trước nỗi cô đơn và trống vắng.
Sự mất kết nối trong cuộc sống hiện đại là nguyên nhân thật sự của căn bệnh trầm cảm – đây là luận đề của quyển sách Lost Connections: Uncovering the Real Causes of Depression – and the Unexpected Solutions. Mình đã cố gắng gượng dậy và tìm lại từng chút kết nối với chính bản thân cũng như những người xung quanh – trong điều kiện có thể. Những buổi sáng tự tập yoga trong phòng, gọi video call cho người thân, gia đình, chat thường xuyên với bạn bè, nói chuyện với cô chủ nhà thỉnh thoảng… Lúc này mới thấy “nội công” của mình yếu ớt, không thể chống chọi một mình mà vẫn bình an như mình từng ảo tưởng. Bức tranh về bản thân được mở ra từng chút, nghiêng về những khối màu u tối hơn, để thấy bản thân không mạnh mẽ, cuộc sống đôi khi không màu hồng, để chấp nhận những phần yếu đuối và dễ tổn thương nhất. Có ai nói người dám phơi bày sự yếu đuối là người mạnh mẽ, có thể, đây là lần đầu tiên mình chạm vào một cảm giác mạnh mẽ thật thụ.
Kết thúc mùa dịch ở Đà Nẵng, mình cũng hành trang quả mướp về nhà. May mắn hơn là mình đã đi trước khi cơn bão tháng 10 liên tiếp ập vào miền Trung. Vẫn là sự “an cư” nhưng tâm thái có lẽ đã thay đổi, mình bắt đầu một cách sống cân bằng và có ý thức hơn sau khi xác định sẽ làm việc như một freelancer chuyên nghiệp: tự chủ thời gian, công việc, thu nhập, tài chính, các mối quan hệ và bản thân. Cuộc sống vẫn tiếp tục đều đặn mỗi ngày, có khi nhạt nhẽo, có lúc vui sướng, có khi rảnh rỗi không làm gì, mà cũng có nhiều ngày tối tăm mặt mũi… Trong những ngày sống thật bình thường, có phần nhàm chán, một sáng nọ mình đi chạy bộ như mọi khi và nhìn thấy một anh con trai đang tập đi cho người mẹ, kế bên là chiếc xe lăn của bà. Sau này gần như mỗi sáng đi tập mình đều thấy anh chăm chỉ tập đi cho mẹ. Người mẹ cỡ trung niên chắc hơn mẹ mình vài tuổi, đôi lần nhoẻn cười với mình trong lúc chập chững bước đi như một đứa trẻ.
Tự nhiên mình nhận ra những lần khao khát đi xa trải nghiệm, ngao du đó đây, tâm thế cần phải du lịch để được cảm nhận nhiều điều mới mẻ hơn… nó là một phần của con người cũ rồi. Mình không cần phải đi đâu nữa vì lý do “để có được sự mới mẻ” – Không phải, sự mới mẻ hằng ngày đang hiện ra trước mắt mình khi tập trung cảm nhận mọi thứ một cách tĩnh lặng hơn. Hai mẹ con thật đẹp, từng bước đi chậm rãi giống đang khiêu vũ cùng nhau trong điệu múa của tình yêu thương và sự nhẫn nại. Càng quan sát họ, lòng mình càng nhẹ nhàng và thư thái, hai mẹ con đã kéo mình về cái hiện tại đáng yêu, nơi sự sống đang diễn ra nhiều điều tốt đẹp nho nhỏ, nơi mà không cần phải “đi thật xa để trở về” mới thấy mình trưởng thành.
Ở yên một chỗ và thân tâm được an lạc – pháp tu “an cư kiết hạ” hóa ra chỉ đơn giản như thế, đây là điều mà bất cứ ai cũng sẽ đạt được với một cuộc sống có nhận thức và để những cảm nhận lên tiếng. Sau bao năm học và làm việc xa nhà, từng nghĩ sẽ không sống với gia đình nhiều như thế, nhưng năm 2020 nhiều biến động và thử thách đã cho mình biết được một cách sống bình an trong trạng thái mới.
0 Bình luận