15 49.0138 8.38624 1 0 4000 1 https://nangmaivang.com 300 0
theme-sticky-logo-alt
theme-logo-alt

Những điều mình nhận ra khi bắt đầu lớp học viết lách

Để nói về lớp viết của mình, thì mình chẳng dám nói rằng đây là lớp học hoàn hảo nhất, nhưng sẽ là lớp học mình trao hết những kiến thức và tâm tư trong suốt 6 năm lặn lội từ viết báo sang viết quảng cáo, PR, kịch bản và content marketing.

Dạy người cũng là dạy mình, đằng sau mỗi giờ truyền đạt cho học viên, mình nhận ra nhiều điều hơn mỗi khi kết thúc một buổi học. Nó vừa là kiến thức, giá trị mình trao đến học viên, vừa là lời răn, nhắc nhở mình phải có thái độ đúng đắn hơn với nghề. Giống như việc bạn đã làm người giảng dạy thì không cho phép mình phạm lỗi, bắt đầu khoá học này khiến mình cảm thấy phấn khích tột độ nhưng cũng ý thức hơn về việc phải luôn học hỏi hằng ngày.

Nghề sẽ đãi bạn khi biết trân trọng nghề

Mình đem một cái nghề đang làm để truyền lại cho những người mới bắt đầu. “Ôi! Phải lên giáo án, soạn bài như thế nào để mang đến kiến thức phổ quát, gốc rễ nhất. Làm sao mà chỉ cần một khoá học này thôi, các bạn học viên sẽ có đủ hành trang vững chắc, có đủ kiến thức nền để từ đó bước vào nghề” – mình luôn nghĩ như vậy trong thời gian soạn giáo án.

Đây là một nghề thật sự hay ho và cao đẹp, mình muốn bản thân mình và tất cả những người viết có được cách nhìn trân trọng và thái độ đúng đắn để sống tốt, sống đủ cùng con chữ. Nên trong quá trình lên giáo án, mình chú trọng vào cách thiết lập thái độ và nền tảng tâm lý hài hoà để có thể đi cùng nghề viết lâu dài. Nghề sẽ “đãi” bạn khi bạn biết trân trọng từng con chữ mà mình viết ra.

Hãy viết như cơm ăn áo mặc hằng ngày

Nhiều bạn học viên chia sẻ, “Em thích viết nhưng không biết viết từ đâu”. Trước hết, viết chỉ là… viết ra thôi mà. Chúng ta bị quá nhiều định kiến và những nỗi sợ hãi ngăn cản để làm điều mình yêu thích. Nếu bạn thích viết, thì cứ viết ra một cách tự do, đừng nghi ngại và đánh giá bản thân nữa. Chính sự tự huyễn hoặc mình chưa đủ tốt và đủ hay đã ngăn cản con chữ của bạn trước khi có một ai khác kịp đánh giá những gì bạn viết.

Nếu mỗi ngày bạn ăn cơm, mặc áo, thì với người viết còn có thêm chuyện viết nữa. Bắt đầu từ những trang viết buổi sáng cho đầu óc được tỉnh táo, con chữ được khơi thông, đến viết tự do trong ngày khi cần những ý tưởng hoặc ghi chép cảm xúc, viết nhiều và viết đều tay cũng là một cách để nâng sức viết lên mỗi ngày.

Hoặc nếu không biết viết gì, mình gợi ý có một thử thách 30 days of writing challenge khá thú vị. Mỗi ngày sẽ có một chủ đề cho bạn viết, hãy tập viết theo thử thách này. Hết 30 ngày thì bạn cũng có một số vốn kha khá những con chữ và ý tưởng rồi.

Chẳng có thời khắc nào là “đúng thời điểm”

Cũng là câu nói, “Em muốn làm nghề viết nhưng chưa biết bắt đầu từ đâu”. Vậy hãy bắt đầu ngay bây giờ bằng mọi cách mà em có!

Chúng ta hay đợi đúng thời điểm để bắt đầu thực hiện một điều gì đó. Nhưng nhớ lại xem, chẳng có một thời gian nào gọi là hoàn hảo để mình bắt tay vào công việc mong ước. Thời điểm đúng đắn chính là khoảnh khắc bạn quyết định nhảy vào làm và sẽ chuẩn bị tâm lý vững vàng để học thêm những kinh nghiệm.

Chuyện mình bắt đầu khoá học này cũng thế, sẽ chẳng có một thời điểm nào phù hợp cho mình chỉ khi mình chịu ngồi vào bàn và suy nghĩ về chặng đường đã qua. Mình đào lại những kiến thức và đúc kết lại để xây dựng giáo án từ ngày này qua ngày kia, rồi đi tìm những bạn bè quen để học thử và góp ý. Khi trái tim đã lên tiếng, động lực đã thôi thúc thì chúng ta sẽ có mọi cách để làm dù chỉ đi từ con số 0.

Sách The Magic No Limits (Không giới hạn) cũng có nói đại ý rằng kế hoạch hoàn hảo nhất là không có kế hoạch gì. Nghe thì có vẻ khó tin với lý trí luôn tính toán và sắp xếp của chúng ta, nhưng kế hoạch ở đây là sự lắng nghe trực giác và trái tim mách bảo. Nếu một ngày thức dậy, bạn cảm nhận đã đến lúc mình “bước đi” thì hãy cho phép mình “bước đi”. Chìa khoá ở đây là sự cảm nhận (feel) chứ không phải là bạn nghĩ (think). Còn để phân biệt được hai điều này, thì phải mất nhiều thời gian trải nghiệm và làm việc với chính mình, khi dừng sự nhiễu loạn trong tâm trí, khi ngừng lại óc phán xét trong mọi thứ… và để trái tim lên tiếng.

Xây dựng mindset (tư duy) trước rồi đến skillset và toolset (kỹ năng, công cụ).

Tư duy – kỹ năng – công cụ là một “thế chân vạc” vững chắc giúp bất kỳ ai tiến xa trong lĩnh vực họ đang làm. Cụ thể, mindset là cách bạn nhìn nhận thế giới xung quanh, bao gồm quan điểm sống, thái độ, nhân sinh quan, phản ứng của bạn trước mỗi tình huống. Skillset là cách hành động, cư xử dựa trên năng lực, kiến thức và hiểu biết. Toolset là cơ chế giúp bạn phát triển kỹ năng và đạt được mục tiêu, là phương pháp, kỹ thuật, hướng tiếp cận của bạn để đạt được mục tiêu cho công việc.

Với một lớp học viết để vào nghề, việc xây dựng mindset là bước đầu tiên và quan trọng để người học nắm được “cái hồn” của nghề. Thái độ đúng cho ra quyết định đúng, quyết định đúng thì hành động đúng, hành động đúng thì kết quả khả quan. Có được tư duy viết tốt thì kỹ thuật viết, công cụ hay các công thức viết chỉ là chuyện bồi đắp thêm. Đó chính là cái gốc mình muốn hướng tới cho mọi người viết mới vào nghề.


P/s: Thật sự, giá như và giá như, ngày xưa biết những điều này sớm hơn thì hành trang vào nghề của mình sẽ đỡ vất vả hơn nhiều. Nhưng thôi, hạnh phúc là bây giờ mình đã nhận ra và đang truyền gửi những kinh nghiệm này cho người đi sau 😀

Chia sẻ:
Chuyên mục:Chuyện viết lách
BÀI TRƯỚC
Sống với nghề viết – P5: Writer’s block là gì và làm sao để vượt qua?
BÀI KẾ TIẾP
2 cách giúp bạn tự bảo vệ năng lượng tích cực của mình về cuộc sống và tình yêu khi lạc lối giữa các drama mạng xã hội

0 Bình luận

Leave a Reply