Nhìn vào cái rỗng
Trưa nay mình đi ăn với chị, ăn xong thì ra cà phê khá đẹp gần đó ngồi chơi. Cuối tuần nên dân tình cũng váy áo xúng xính ra quán cà phê để thưởng cảnh, chụp hình… và post lên mạng xã hội. Mình thì cũng mặc vừa phải, đơn giản, trang điểm nhẹ… nhưng chẳng lăn xăn chụp hình. Vì chẳng còn nơi nào để đăng lên.
Một khoảnh khắc nào đó trong quán cà phê lộng lẫy ấy, mình chỉ ngồi, và quan sát tất cả mọi thứ xung quanh. Vì mình không có gì để “làm” như mọi người. Cảm giác thật lẻ loi, thật tách biệt, mà cũng thật tự do! Thì ra, lần đầu tiên, mình cảm thấy có thể làm chủ khoảnh khắc sống đến như thế, khi mà mọi người cuống cuồng với những chiếc điện thoại selfie, tô lại môi son, chỉnh lại quần áo, tóc tai… thì mình chỉ ngồi đó ngắm nhìn bể cá trên cao, vườn cây chuẩn Đà Lạt của quán, và những cô gái xinh đẹp đang tạo dáng chụp hình. Bộ phim Social Dilemma tiết lộ rằng các nhà công nghệ không cho con cái họ dùng mạng xã hội, sách Muôn kiếp nhân sinh nói rằng mạng xã hội như một thỏi nam châm hút năng lượng. Song song đó, người bạn của mình khi biết mình tắt mạng xã hội thì cho rằng mình đang “chấp” vào một thứ gì đó – kiểu như việc mất thời gian hay sự xao nhãng của công nghệ.
Dù bạn ấy có nói gì, thì quyết định này, đã cho mình trải nghiệm một sự tự do chưa từng có. Mình không có động lực để đăng bất cứ gì lên story, mình không có nhu cầu phải chia sẻ những hình ảnh xinh đẹp để thu về nhiều like hay mong chờ những comment của người khác. Nghiên cứu trong phim Social Dilenmia nói các nhà thiết kế công nghệ như một nhà tâm lý, họ làm cho những notification trở thành một thứ kích thích chúng ta, khiến tim ta đập nhanh hơn và tay ta phải bấm mở ngay tức thì. Người ta luôn muốn xem ai thích, tương tác ra sao với trạng thái của họ và hồi hộp mỗi khi có thông báo ai đó bình luận bài viết.
Mình đã sử dụng Facebook được 10 năm, từ năm 2011 lúc mới vào đại học. Từ lúc đó, mình ý thức phải luôn đăng tải điều gì đó tốt đẹp lên mạng, ví nhu những status thật hay, những hình ảnh đẹp, và từng bước trở thành một người trên mạng thật khác với mình trong thực tại. Dần dà, số lượng bạn bè cũng tăng hơn, các tương tác cũng rộng mở hơn, nhưng giờ nhìn lại đa phần nó chẳng còn nhiều ý nghĩa nữa.
Chỉ còn trang blog này – như một ngôi nhà nho nhỏ để mình thủ thỉ tâm sự, ươm chút mầm xanh vào khu vườn của tâm thức. Những gì mình viết ra ở đây là hữu xạ tự nhiên hương để ai thấy đồng điệu sẽ ở lại đọc, đọc một thời gian thấy không phù hợp nữa thì rời đi. Như một dòng nước luôn chảy và chẳng bao giờ lặp lại nó, những gì mình viết là từ trải nghiệm và nhận thức của bản thân, nên nó sẽ phát triển và phát triển liên tục. Mình vừa là mình nhưng cũng không phải là mình trong quá khứ.
Chương 11 trong Đạo Đức Kinh, Lão Tử nói về Dụng của cái không, “Ba chục căm, hợp lại một bầu, nhưng nhờ chỗ không mới có cái dụng của xe. Nhồi đất để làm chén bát, nhờ cái không mới có cái dụng của chén bát. Khoét cửa nẻo, làm buồng the, nhờ chỗ không mới có cái dụng của buồng the. Bởi vậy, lấy cái có đó để làm cái lợi. Lấy cái không đó để làm cái dụng.”
Cái “có” của vật sẽ có lợi, nhưng phải nhờ đến cái “không” thì mới sử dụng được, ví như cái chén, cái tủ, cái nhà… phải rỗng ở bên trong thì chúng ta mới dùng được. Đoạn này ý nói tâm con người cũng phải như vậy, phải sạch và rỗng như cái đạo của tự nhiên, không dồn chứa, không tham sân, không tác ý.
Còn trường phái Pythagoras thời kỳ Triết học phương Tây yêu cầu một thời kỳ im lặng kéo dài 5 năm đối với các học viên. Đối với Pythagore, triết học là một sự tẩy trược tâm trí và xúc cảm sao cho ánh sáng thuần túy của linh hồn bất tử có thể tự do chiếu soi qua những lớp áo hạn hẹp chung cho mọi người. Sự tẩy trược phải bắt đầu bằng sự kính cẩn sẵn sàng – trở nên thực sự xứng đáng với mối quan hệ do im lặng tôn thờ các vị Thần linh bất tử. Việc chú tâm im lặng chính là sự khởi đầu của con đường minh triết trong truyền thống Pythagoras.
Cái quý, cái đạo của im lặng từ Đông sang Tây đang dần bị xem nhẹ trong đời sống hiện đại. Chưa cần bàn sâu xa đến sự rỗng lặng của tâm trí, ngay cả những khoảnh khắc thường ngày, chúng ta cũng không để đầu óc mình được nghỉ ngơi. Bạn có thấy đa số mọi người đang làm gì với “thời gian đợi” của họ không? Đó là bấm điện thoại, lướt thiết bị điện tử. Những khoảnh khắc chờ ở nhà ga, ở sân bay, đi xe bus hay đứng đợi ai đó, thay vì là cơ hội để tâm trí thư giãn một chút, để hơi thở được chú ý hơn, thì chúng ta lại liên tục làm một thứ khác, chú ý vào một thứ khác.
Trong một ngày, thử nhìn lại xem có bao nhiêu khoảnh khắc thân tâm trí hợp nhất. Rất ít phải không? Vì chúng ta bận rộn làm việc, học hành, vui chơi, giao tiếp… Có thời gian cho hàng tỷ thứ khác, mà không có thời gian cho chính mình. Vì không có thời gian cho mình, nên không thể thỏa mãn mình, và lại tiếp tục hướng ra ngoài tìm kiếm những bù đắp bề nổi khác.
Do vậy, những giờ phút bạn phải đợi chờ chính là một cơ hội vàng để nghỉ ngơi, “lấy cái không đó để làm cái dụng”. Sau những khoảng lặng nhỏ như vậy, tâm chúng ta lắng xuống, sẽ cảm thấy bình an, tự tại hơn, lo lắng hay căng thẳng cũng vơi đi dần.
Cái rỗng không phải là “không có gì”, cái rỗng trong đạo là “không gì mà không có”.
1 Bình luận
Chào người “anh em” ! We are one .