15 49.0138 8.38624 1 0 4000 1 https://nangmaivang.com 300 0
theme-sticky-logo-alt
theme-logo-alt

Nghề freelancer có gì vui? – P6: Nghệ thuật deal giá tinh tế, 4 chia sẻ tâm đắc sau vài lần “hố hàng”

“Cần một freelancer viết bài 1000 từ/50k. Chi tiết inbox”, hay mới đây, “Cần một tay viết cứng tay cho bài website giá từ 110k trở lên”. Bạn có thấy những thông tin tuyển dụng này quen không và bạn có muốn nhận những job như thế này không?

Vậy giá cả của nghề freelance writer đang nằm ở khung nào? Đâu là nơi bạn thuộc về để vừa có công việc tốt vừa có thu nhập khá. Mình xin tiết lộ thu nhập từ nghề viết của mình hiện nay cũng tương đương hoặc có tháng cao hơn mức đi làm full-time ngày xưa. Đó là chưa kể khoá học viết coaching 1:1 mà mình đang triển khai cho các học viên.

Có vài lưu ý khi deal giá dưới đây mà bạn cần phải biết, theo kinh nghiệm từ một người đã trải qua bao nhiêu “đau thương hố hàng” khi deal giá như mình. Vì vốn dĩ mình cũng không phải là người giỏi tính toán lắm, nhưng rồi bị các job cho vỡ mặt vài lần nên đã học ra những điều sau:

Ước tính thời gian hoàn thành

Trên thị trường lao động hiện nay, đa số những công việc đều được tính theo số giờ lao động từ việc đầu óc đến chân tay để đưa ra mức giá hợp lý nhất. Vì cơ bản là khách hàng mua giờ lao động của mình, và mình là người mang lại giá trị cho họ trên số giờ đó. Với công việc viết lách cũng vậy, bạn cần xác định được số giờ ước tính hoàn thành cho các đầu việc.

Mình ví dụ cụ thể trường hợp của mình khi viết 1 bài PR cho khách hàng mới, sẽ có những checklist các hạng mục sau để hoàn thành bài viết:

  • Tìm kiếm thông tin, đọc và nghiên cứu tài liệu sản phẩm, nghiên cứu khách hàng ở tất cả các kênh báo chí, facebook, youtube v.v (chiếm 60% thời lượng)
  • Xây dựng dàn bài, thêm các dẫn chứng, viết bài lần 1 (chiếm 20%)
  • Chỉnh sửa, biên tập bài từ 2-3 lần trước khi gửi khách (chiếm 15%)
  • Gửi khách xong rồi tiếp tục chỉnh sửa theo phản hồi và yêu cầu nếu có phát sinh (5%)

Với các đầu việc như vậy, thường một bài viết của mình sẽ là nội dung chất lượng, mới 100%, có đầu tư nghiên cứu nên giá cả không thể nào quá thấp được. Ước tính thời gian làm ra một bài như vậy khoảng 5 tiếng đối với những bạn có tay nghề, còn mới vào nghề có thể mất lâu hơn một chút.

Vì vậy, cách tính giá cơ bản sẽ như sau: trung bình lương của một copywriter mới ở các agency dao động khoảng 12.000.000/ tháng/ tương đương 160 giờ làm việc. Tính ra mỗi giờ là 75.000 nghìn, mới vào nghề cứ cho là bạn mất hơn 6 tiếng để hoàn thành, thì số tiền tương ứng cũng phải gần 500.000 là mức khởi điểm cho bạn.

Bên cạnh đó, những khách hàng chịu đi những loạt bài này sẽ là các doanh nghiệp lớn, có tài chính mạnh, mình khuyên bạn nên tìm kiếm đến những đối tượng khách này để có cơ hội nâng cao tay nghề, xây dựng được những bài viết có đầu tư nội dung và làm nổi bật portfolio của bạn về lâu dài.

Lưu ý: tính thêm cả chi phí cho các deadline gấp, thương lượng rõ xem khách có bao nhiêu lần chỉnh sửa (thường 2-3 lần là được), cố gắng hoàn thiện nội dung, biên tập kỹ càng trước khi gửi.

Nâng cao giá trị bản thân

Mình có một công thức khá vui về hành trình phát triển và trưởng thành của con người. Đó là “Bạn là những gì bạn…”. Chỗ trống có thể là ăn, nói, ứng xử, hành động, vẽ, hát, viết, đọc… Tất cả những gì chúng ta tạo tác ra ngoài đều phản ánh bản thân bên trong mỗi người. Vì thế, bạn cũng là những gì bạn viết. Hay nói theo môn Lý luận văn học, Văn là Người – con chữ nói lên chính xác “cái tạng” của tác giả. Vậy để deal được nhiều job đáng giá thì chẳng còn cách nào tuyệt vời hơn là bạn phải nâng cao giá trị của bản thân trong nghề lẫn ngoài đời.

Hãy trở thành một người viết chăm chỉ, chịu khó học hỏi để nâng cao chuyên môn của bản thân, từ đó có cơ hội nhận nhiều công việc chất lượng với giá cả tốt. Với mình, đây là cách bền vững và lâu dài nhất để bạn rời xa những job quá rẻ và bước lên những giá trị cao hơn.

Hành trình để trở thành một người viết tốt sẽ trải qua nhiều giai đoạn khác nhau ở mỗi người, nhưng điểm chung thường là tăng trải nghiệm sống, phát triển nhận thức và liên tục trau đồi kỹ năng viết lách. Đó là những điều mình thường chia sẻ với các bạn trong khoá học của mình: một người viết tốt, thì phải sống đẹp!

Nhìn mặt – bắt hình dong khách hàng

Đâu là chân dung một người khách hàng chất lượng sẵn sàng chi trả cho bạn mức giá tốt? Trước hết, họ sẽ là những người có trách nhiệm với bản thân và công việc khi luôn muốn đem lại giá trị tốt đẹp, sản phẩm chất lượng cho công ty và đối tác.

Họ còn là người biết trân trọng thời gian của bản thân cũng như sức lao động của người khác. Họ sẽ không làm những việc như đăng tin tìm cộng tác trên các group lớn để nhận về vô số hồ sơ vàng thau lẫn lộn, sẽ không đôi co từng đồng lẻ với bạn kiểu như viết 200 từ thì 200 nghìn vì chất xám của content không nằm ở số lượng từ để tính như vậy được.

Đương nhiên, không thể nào luôn có khách hàng “hoàn hảo” để làm việc cùng nhưng bản thân các freelancer có thể chia sẻ điều này cho khách hàng hiểu hơn, vì đôi khi bản thân họ cũng không nắm bắt được hết tình hình thị trường ra sao. Hãy tự tin chia sẻ quan điểm và suy nghĩ của bạn cho khách hàng một cách chân thành. Nếu họ cầu thị tiếp nhận ý kiến thì đây là người bạn có thể hợp tác, còn nếu không, bạn cứ sẵn sàng rời đi để tìm kiếm những điều tốt hơn cho mình.

Bảng giá tham khảo cho nghề freelance writer

Đây là mức giá mà mình đang hợp tác, mình sẵn lòng chia sẻ để các bạn thấy rõ ràng là chúng ta xứng đáng có được thu nhập tốt với nghề nhé:

Bài PR: 1.500.000 – 4.000.000

(Bài giá cao là do có liên hệ, phỏng vấn nhân vật, Kols)

Content cho social: 500k/post (kể cả làm việc với design)

Content website, blogs, app: 600.000 – 1.500.000 (tuỳ theo yêu cầu)

Kịch bản MC, video, chương trình: 2.000.000 – 3.000.000

Speech (bài diễn văn): 1.500.000 – 2.000.000

Content plan: từ 5.000.000 trở lên.

Chúc các bạn có được hình dung tích cực và tươi sáng hơn với nghề!

Đón đọc kỳ sau mình sẽ viết tiếp về Cách tìm kiếm và giữ chân khách hàng nhé!

Mời bạn tham khảo serie Nghề Freelancer có gì vui? của mình qua các bài viết trước:

P5: 3 SỰ THẬT BÓC TRẦN NĂNG LỰC CHUYÊN MÔN

P4: VẺ ĐẸP CỦA CUỘC SỐNG MỘT MÌNH

P3: SỰ ĐÁNH ĐỔI NGỌT NGÀO

P2: 3 CÁCH ĐỂ VƯỢT QUA SỰ LO LẮNG

P1: VƯỢT QUA NỖI SỢ VỀ CUỘC SỐNG KHÔNG ỔN ĐỊNH

Chia sẻ:
Chuyên mục:Chuyện freelancer
BÀI TRƯỚC
Điều kiện của hạnh phúc: Bạn đã trúng số độc đắc rồi mà bạn có biết?
BÀI KẾ TIẾP
Nghề freelancer có gì vui – P7: Cách tìm kiếm khách hàng theo con đường mình tự mò mẫm

0 Bình luận

Leave a Reply