15 49.0138 8.38624 1 0 4000 1 https://nangmaivang.com 300 0
theme-sticky-logo-alt
theme-logo-alt

Nghề freelancer có gì vui? P2: 3 cách để vượt qua sự lo lắng

Sau khi nhận ra được nỗi sợ từ cuộc sống không ổn định của nghề freelancer thì làm cách nào để sống chung với nó một cách êm đẹp. Mình xin chia sẻ thêm về 3 cách để vượt qua sự lo lắng, vững bước hơn trong giai đoạn đầu tiên.

Chuẩn bị tài chính để… tự tin hơn.

Bước chuẩn bị tài chính rất quan trọng và cần thiết vì nó sẽ giúp nỗi sợ của bạn… ít đi một chút. Bạn cảm thấy an toàn trong thời gian mới lưu lạc vào cuộc sống tự do phía trước nhưng tài chính như thế nào là đủ cho vùng an toàn tối thiểu của bạn?

Ý thức được việc có tiền tiết kiệm sẽ giúp bạn rất nhiều trong những giai đoạn chuyển giao

Mình đọc một số kinh nghiệm của các “digital nomad” (du mục số) thì người ta khuyên là bạn nên có số tiền ít nhất đủ nuôi sống trong vòng 3 tháng đầu tiên nếu lỡ may chưa có việc gì làm. Riêng mình thì trong quá trình đi làm trước đó, mình cũng tích luỹ được tiền bạc nên có một khoảng tiết kiệm cho mình sống đủ trong 6 tháng nếu không làm gì. Mình thầm biết ơn bản thân vì trong thời gian đi làm đã chịu khó để dành tiền, làm sổ tiết kiệm cá nhân để cần cho những bước chuyển như thế này.

Nhưng thú thật, mình cũng không muốn xài quá nhiều trong số tiền này nên thời gian đầu thực sự mình đã thắt chặt chi tiêu nhiều nhất có thể: chỉ xài những khoản thật sự cần thiết như tiền nhà, ăn uống cơ bản, xăng cộ. Mình cũng bất ngờ nhận ra sự khác biệt rõ ràng giữa nhu cầu và ham muốn khi chi tiêu.

Và tiền bạc, dù ít hay nhiều cũng không làm ảnh hưởng đến chất lượng của việc trải nghiệm cuộc sống phong phú. Một người tận hưởng dịch vụ 5 sao ở resort với sự xa hoa hào nhoáng cũng không khác lắm với một người trải thảm nằm dưới bãi cỏ xanh ngắm mây trời với 1 ít bánh trái đơn giản. Vì mục đích cuối cùng của đời người chúng ta vẫn là câu hỏi: Rồi tôi có cảm thấy hạnh phúc với những gì mình đang có hay không?

Học cách đặt ĐÚNG câu hỏi

Bạn không thể cưỡng lại những gì cuộc sống mang đến nhưng bạn có quyền quyết định cách đối mặt với nó. Bất kỳ trải nghiệm hay sự việc nào xảy ra, hãy tự hỏi là “tôi đang học được bài học gì từ đây?”, “wow, vũ trụ ơi, người đang muốn con nhận ra điều gì”. Trải nghiệm – chính là một món quà để bạn học ra bài học cho chính mình để phát triển bản thân hơn nữa.

Cuộc sống là một món quà.

Vì bạn chính là một linh hồn tới kiếp sống này để trải nghiệm cuộc sống con người. Vậy hãy hoan hỉ đón nhận những buồn vui, chơi đùa cùng cuộc đời. Là con người chứ không phải gỗ đá, không cần ép bản thân phải luôn vui và tích cực. Có những lúc mình cũng buồn bã, chán nản vì job không diễn ra, khách hàng hỏi xong im lặng, bị mất job v.v… thì hãy cho phép bản thân được buồn bã, chán nản.

Tiếp theo, đặt câu hỏi ĐÚNG cho cảm xúc này muốn đem tới điều gì cho mình. Thế thôi, cảm xúc chỉ là hiện tượng, đến rồi sẽ đi. Quan trọng là thông điệp mà bạn nhận được từ hiện tượng đó.

Phát đi thông điệp dưới mọi hình thức

Giống như việc phải rải hạt giống để trồng cây, sẽ có hạt nảy mầm và có hạt không. Để bắt đầu công việc tự do này, bạn cũng cần “quảng bá” bản thân một chút trên trang cá nhân từ Facebook, Linkedin tới những trang tìm việc freelance như Thuengay, các group làm freelancer. Chưa biết kết quả có đem lại khách hàng cho bạn không, nhưng trước tiên hãy là người gieo những hạt mầm này đi.

Trân trọng và biết ơn từng cơ hội đến với bạn.

Thông tin thì bạn cần ghi rõ kinh nghiệm, thế mạnh, portfolio cũng như tác phong làm việc như thế nào để khách hàng dễ “bắt hình dong”. Hơn nữa, làm việc với khách hàng bằng một thái độ trân trọng, nhiệt tình và giúp đỡ trong hết khả năng của mình như chính họ là bạn bè thân thiết và người thân. Vì chính họ sẽ là “ông mai bà mối” giới thiệu cho bạn những khách hàng tiếp theo và cho dù kết thúc công việc, thỉnh thoảng cũng nên hỏi thăm, tương tác với họ để người ta còn nhớ đến bạn.

Bắt đầu với tâm niệm và cách giao tiếp rằng: tôi có thể làm gì tốt nhất cho công việc của bạn?. Trân trọng từng cơ hội ban đầu với sự cảm kích và ghi nhận sâu sắc để từ đó nhiều công việc tốt hơn sẽ chạm ngõ đến bên bạn. Đây cũng là một tình huống tuyệt vời để bạn thực tập nhiều hơn nữa lòng biết ơn trong cuộc sống và làm giàu thêm sự trù phú bên trong bạn.

P/S: Nhìn khái quát hơn, thì 3 điều này cũng là một trong những giá trị sống tốt đẹp giúp bản thân chúng ta vững vàng, tích cực và nhiều niềm vui hơn. Chỉ là khi đặt trong tình huống cụ thể của cuộc sống freelance thì mình thấy nó biểu hiện rõ hơn với bản thân mình.

Mỗi người một con đường đi khác nhau nhưng chúng ta đều có đích đến giống nhau: đó là một cuộc sống hạnh phúc, đủ đầy từ bên trong. Có thể bạn cũng đã và đang đi đến những giá trị này ở trong một hoàn cảnh và bài học khác.

______

Mời bạn đọc thêm các phần khác về nghề freelance:

P1: Vượt qua nỗi sợ về cuộc sống không ổn định 

P3: Sự đánh đổi ngọt ngào 

P4: Vẻ đẹp của cuộc sống một mình 

Chia sẻ:
Chuyên mục:Chuyện freelancer
BÀI TRƯỚC
Nghề freelancer có gì vui? P1: Vượt qua nỗi sợ về cuộc sống không ổn định
BÀI KẾ TIẾP
Nghề freelancer có gì vui? – P3: Sự đánh đổi ngọt ngào

0 Bình luận

Leave a Reply