Nghề freelance có gì vui? – P8: Bài học nhớ đời về đối tác thiếu trách nhiệm
“Nghề freelance bạc lắm, bạc nhất ở khâu thanh toán tiền bạc!”- Một người bạn cũng làm freelance từng nói với mình như vậy. Quả thực, khi làm freelance, chúng ta thường đối mặt với chuyện thanh toán chậm trễ, thậm chí bị quịt tiền. Vậy làm sao để khắc phục việc này?
Và sau đây là câu chuyện “người thật – việc thật” của riêng mình: năm ngoái, mình từng viết bài freelance cho một tập đoàn bất động sản khá lớn ở Sài Gòn, mình làm việc với một chị A, công việc khá thuận lợi. Sau đó, một nhóm đồng nghiệp của chị A thấy mình trong danh sách freelance writer của công ty liền liên hệ để cộng tác tiếp cho một dự án khác. Vẫn là danh tiếng của công ty làm mình khá yên tâm, mình tiếp tục làm cho đến cuối năm. Sau đó, mình vẫn theo dõi tiến độ thủ tục, thanh toán thì các bạn vẫn nói là đang làm, làm rồi v.v Đến sau Tết, mình vẫn không thấy động tĩnh gì, liên hệ người thì không trả lời, người thì bảo nghỉ việc rồi không giải quyết nữa. Thế là mình phải tìm chị A xin giúp đỡ liên hệ với admin của công ty, thì mới biết các bạn nghỉ mà không bàn giao gì công việc đã từng làm với mình. Chị admin cũng rất khó khăn để làm lại hồ sơ và giúp mình lấy được số tiền đó.
Có hai điều cần nói:
Thứ nhất, trừ những khách hàng lần đầu làm việc, còn từ lần thứ 2 trở đi, mình thường làm việc trước, rồi tiền bạc thanh toán sau, không có quy định đặt cọc trước cho khách hàng. Điều này có cái hay mà cũng có cái dở. Cái hay là đôi khi các công ty, đối tác không kịp ứng tiền trong một dự án gấp, nên mình cũng cố gắng giúp họ hoàn thành công việc trước rồi tiền bạc theo sau. Chuyện này mình vẫn thường hay làm, và mình cũng không câu nệ về đặt cọc – tóm lại, đây là do mình may mắn và trúng đối tác đàng hoàng, uy tín.
Thứ hai, chỉ có một điều – đối tác thiếu trách nhiệm.
Vấn đề là chúng ta không thể sửa người, mà chỉ có thể sửa lại cách làm việc của mình:
Cân nhắc về khoản đặt cọc: mình biết có nhiều freelancer đặt ra quy định rõ ràng về chuyện đặt cọc cho lần đầu tiên hợp tác. Nhưng với trường hợp của mình về sự việc trên, mình đã hợp tác lần thứ 2 và công ty còn là một đơn vị lớn, có tiếng trong ngành. Nên mình không nghĩ cần phải đặt cọc gì nữa, vấn đề xảy ra vẫn là – đối tác thiếu trách nhiệm.
Tuy nhiên, đối với những bên lần đầu hợp tác, tốt nhất freelancer nên đề nghị một khoản đặt cọc từ 30% – 50% cho dự án. Tiền cọc – giống như mọi hình thức chúng ta đi mua bán khác, là niềm tin và lời hứa cho bên bán lẫn bên mua để có thể hợp tác cho công việc. Đừng vì ngại ngần hay cả nể (dù có là người quen giới thiệu) mà đề cập đến tiền cọc, mình biết nhiều bạn – và cả bản thân mình ngày đầu làm freelance cũng rất e ngại khi nhắc về khoản tiền này. Nhưng về lâu dài, đó là cách để xây dựng phong cách làm việc chuyên nghiệp và uy tín cho khách hàng.
Ràng buộc qua email: Tất cả nội dung trao đổi từ đầu đến cuối nên được thảo luận minh bạch qua email công việc, từ việc deal giá, thời hạn thanh toán, đến các nội dung công việc liên quan, hãy cho mình và đối tác có cơ sở rõ ràng về trách nhiệm lẫn pháp lý, để sau này còn có bằng chứng để trình bày.
Nếu có trao đổi qua Zalo, điện thoại, sms… thì chúng ta cũng nên tóm tắt lại trong một email tiếp theo. Ví dụ với các mẫu câu sau:
- “Dear anh/chị… Như chúng ta đã trao đổi qua điện thoại trước đó về vấn đề ABC, thì thống nhất là DEF…”
- “Cảm ơn anh/chị đã trao đổi cùng em ạ. Em xin phép tóm tắt vài ý mình vừa trao đổi nhanh và thống nhất công việc sẽ là…”
Về sự việc đó của mình, nếu không liên hệ được với ai cả, mình thoáng nghĩ sẽ gửi hết email công việc cho ban lãnh đạo hoặc sếp bên đó để trình bày. Một lần nữa, nhờ làm việc qua email rõ ràng nên mình sẽ luôn có bằng chứng xác thực trong tay.
Thu thập thông tin: Thời đại Facebook, Zalo “nhân quả nhãn tiền” rồi, nên việc tìm thông tin cá nhân của đối tác không hề khó. Mình nhớ có lần thấy bài share của các bạn đồng môn về một ông khách người Hàn Quốc nhiều lần quỵt tiền của cộng tác viên và nhân viên, sau loạt bài đó không biết ông khách đó còn làm ăn được không, nhưng có rất nhiều người đã tương tác và tiếp tục chia sẻ bài đăng đó.
Thật vậy, chỉ với một số điện thoại, email chúng ta hoàn toàn có thể tìm được thông tin cá nhân, mạng xã hội Facebook, Linkedin của người đó. Liên hệ trên tất cả các mặt trận này trước, rồi để xem đối tác trả lời như thế nào… Dù gì, tốt nhất vẫn là hai bên tự giải quyết thầm lặng và kín đáo, trong phạm vi cá nhân hoặc tổ chức, không nên bóc mẽ ai ra cộng đồng và xã hội.
“Thank you, next!”: Không bao giờ có lần thứ hai. Những người thiếu trách nhiệm trong công việc và không quan tâm đến quyền lợi chính đáng của người khác – cụ thể là tiền của freelancer đã từng cộng tác với họ, thì không xứng đáng để chúng ta làm việc tiếp. Nhẹ nhàng gạch bỏ những cái tên đó ra khỏi đầu và tiếp tục làm tốt công việc của bạn.
Nhưng đôi khi con người vẫn có thể thay đổi, tốt hơn hoặc tệ hơn trước. Một ngày nào đó nếu họ quay lại với phiên bản tốt hơn bây giờ, về cách nói chuyện, cư xử và tiền bạc với mình, mình vẫn có thể chấp nhận làm tiếp. Mà phải là “phiên bản tốt hơn của tương lai”, chứ không phải là họ của hiện tại.
Trong quyển sách “Vạch ranh giới” có một ý khá hay, vạch ranh giới giúp bạn xác định mình là ai và không là ai, vì chúng sẽ tác động mọi mặt đến đời sống của chúng ta. Có 4 ranh giới: thể chất, suy nghĩ, tinh thần và tình cảm. Nếu không vạch rõ ranh giới, thì người khác sẽ tùy tiện xâm lấn bạn theo cách mà họ muốn, và dù vô tình hay cố tình, thì người chịu tổn hại nhiều nhất là bản thân bạn.
Thế nên, ranh giới của một freelancer là ở đâu?
2 Bình luận
Một bài viết đã nói lên những nỗi niềm của mình trong vài năm vừa qua ????
Hiện giờ vấn đề này vẫn là nỗi niềm của mình, hic hic