15 49.0138 8.38624 1 0 4000 1 https://nangmaivang.com 300 0
theme-sticky-logo-alt
theme-logo-alt

Sống với nghề viết- P4: Một món quà giá trị nhất nghề viết cho tôi!

Mình thích dạng câu hỏi đi với từ “nhất”: thích làm gì nhất, ăn gì nhất, đi đâu nhất… vì chúng ta chỉ có thể trả lời một đáp án mà thôi. Tâm trí con người thì luôn hỗn loạn, cái gì cũng muốn, đam mê nhiều thứ nên với dạng câu hỏi này người trả lời phải suy nghĩ kỹ chỉ để chọn ra một câu trả lời tâm đắc nhất.

“Vậy món quà quý nhất mà nghề viết cho tôi là gì?” – Mình tự đặt ra câu hỏi này xong phải mất vài ngày để suy nghĩ mới tìm được đáp án. Mình sẽ không vội tiết lộ món quà ấy ngay bây giờ, nhưng thông qua các câu chuyện sau, bạn hãy đoán xem điều gì đang xảy ra nhé.

Có giai đoạn mình thử việc tại một agency quảng cáo, làm việc trong một team (nhóm) có các bạn copywriter, designer và một người sếp vị trí account manager. Người sếp có vai trò là cầu nối giữa khách hàng và các bạn trong team. Quy trình làm việc sẽ là các bạn trong team viết nội dung quảng cáo, thiết kế ấn phẩm theo yêu cầu của từng hạng mục công việc rồi gửi cho chị sếp. Sau đó chị sẽ là người xem qua sản phẩm, yêu cầu chỉnh sửa, hoàn thiện rồi gửi cho khách hàng. Lúc đó mình mới vô được vài ngày, làm cấp dưới của chị sếp và phụ chị quản lý các đầu việc nhỏ bên dưới.

Trong một ngày phải gửi sản phẩm gấp cho khách hàng, mình thấy chị chỉnh sửa bài viết của bạn copywriter và gửi đi cho khách hàng duyệt luôn. Mình nghĩ chuyện này là bình thường vì chị sếp có quyền xem xét và chỉnh sửa nội dung sau cùng và yêu cầu hôm đó cũng gấp nữa. Thế nhưng sau đó một bạn copywriter biết được nội dung bị chỉnh sửa lại hết. Bạn ấy đã viết email cc- tất cả mọi người và hỏi rằng vì sao chị sếp lại tự ý sửa hết các copy. Bạn cho là chị không có quyền làm như vậy thay vì hãy cùng bạn và team thảo luận thêm. Bạn kết thúc với chia sẻ rằng bạn cảm thấy thiếu tôn trọng khi đã nhiều lần bị như thế.

Tương tự, lúc mình làm báo, vài bạn đồng nghiệp thỉnh thoảng cũng than phiền vì sao sếp/biên tập lại sửa bài của bạn quá nhiều, làm khác xa nội dung ban đầu. Ngày nay, một số phóng viên cũng có xu hướng đăng những bài viết gốc của mình trên Facebook để chia sẻ rõ hơn về thông tin, góc nhìn hay những ý kiến về sự việc. Những bài viết này mang đậm tính cá nhân và không có văn phong của người biên tập.

Các bạn đã đoán được phản ứng cũng như xu hướng của người viết nói chung chứ? Họ yêu con chữ của mình và không muốn con chữ bị chỉnh sửa hay phê phán.

Cái TÔI – chính là cái tôi trong cuộc sống lẫn nghề nghiệp đã khiến người viết có những tâm lý như trên.

Về mặt tích cực, cái TÔI – giúp người viết nhìn nhận, quan sát và có những góc nhìn, ý kiến độc đáo riêng cho nội dung của mình. Cái tôi nghệ sĩ cho nhà văn được phóng bút miệt mài đưa họ đến những vùng đất tưởng tượng của nhân vật. Cái tôi phản biện giúp nhà báo phân tích được thông tin, sự kiện và đưa ra những bình luận sắc bén. Cái tôi sáng tạo của một bạn copywriter trong ngành quảng cáo giúp bạn tìm được ý tưởng hay, mới lạ và hấp dẫn cho những lời mời gọi đầy mê hoặc. Cái tôi – của chính bản thân mình cũng cho mình nhiều giờ phút “xuất thần” và phiêu lưu cùng con chữ, sáng tạo nên các bài viết thương hiệu, nội dung mạng xã hội cho khách hàng.

Nhưng hãy tự hỏi khi đã hoàn thành công việc rồi, chúng ta còn cần cái TÔI đó nữa hay không? Khi đứa con tinh thần đã rời xa “cha mẹ” của chúng và đến với vòng tay của người khác, những người khách hàng/ biên tập/ sếp của chúng ta sẽ là người được toàn quyền góp ý, chỉnh sửa và cùng chúng ta hoàn thiện hơn sản phẩm. Nếu giữ mãi cái tôi của người viết cho các giai đoạn sau viết, chúng ta sẽ rơi vào những trạng thái tâm lý mình vừa chia sẻ: cảm thấy khó chịu, bất mãn, không được tôn trọng khi người khác nhận xét câu chữ của mình.

Hơn nữa, có thể người biên tập hay khách hàng không viết nhiều như người viết chúng ta, nhưng tin mình đi, ai cũng thích được chỉnh sửa câu chữ của người khác. Việc được đọc, nhận xét và đưa ra bình luận cho sản phẩm của người khác lúc nào cũng mang lại cảm giác “có quyền lực”. Vì thế, việc của người viết là hiểu được vị trí và đất diễn của mình để sau khi ngừng bút (ngừng viết và tự biên tập), bạn hãy cất lại cái tôi của mình để dành cho những sản phẩm tiếp theo. Công việc sau đó là của người xét duyệt sản phẩm và hãy hợp tác với họ để hoàn thiện thêm nội dung nếu được yêu cầu.

Bên cạnh đó, dù có khó chịu hay không hài lòng với chỉnh sửa của người biên tập thì đầu ra của sản phẩm sẽ được đứng tên bạn (nếu đó là một bài báo hay quyển sách). Vậy khi bài báo, quyển sách hay sản phẩm đứng tên bạn được viral, nhận được lời khen của mọi người, thì bạn có quay sang cảm ơn người biên tập không. Đây là trải nghiệm sâu sắc mà mình nhận ra được khi còn làm báo lúc vừa ra trường. Sau những chuỗi ngày lo lắng vì sếp thường xuyên sửa bài và thỉnh thoảng chê trách mình, mình và một người bạn cũng có loạt bài được viral với lượng view cao mỗi ngày trên báo Thanh Niên. Loạt bài viết về Chuyện tình chính khách trên thế giới. Nhưng nếu không có sự “cân chỉnh gia vị” của người sếp khó tính thì có lẽ mình đã không có những bài tốt để được cấp trên khen ngợi.

Một món quà quý nhất nghề viết dạy cho mình! Hãy làm thật tốt phần của mình với tâm huyết và sự trách nhiệm, sau đó để những người có liên quan làm tiếp công việc của họ. Người viết thì cũng là con người bình thường, không tránh được lỗi hay sự không hoàn hảo nên có sai sót là điều hiển nhiên chấp nhận. Hạ thấp cái tôi của bản thân xuống và làm việc hợp tác hơn với khách hàng cũng như cấp trên.

Sống với nghề viết (thuê) – là sống với cái tôi linh hoạt, điều khiển được nút tắt mở nhịp nhàng để giữ được hoà khí và sự dễ chịu cho chính bản thân mình cũng như mối quan hệ với người khác. 

Trong cuộc sống cũng vậy, mình chiêm nghiệm thấy mỗi người muốn an lạc và nhẹ nhõm thì chỉ cần làm hết việc của mình, buông đi sự kiểm soát muốn kết quả phải như ý hoặc mong đợi hành động từ người khác cho mình. Vì cơ bản, chẳng ai kiểm soát được cuộc sống sẽ thế nào, mà chỉ có thể làm chủ được thân – tâm – ý của mình thôi.


Thế còn bạn, món quà quý nhất nghề nghiệp hiện tại mang đến cho bạn là gì?

Cảm ơn bạn đã đọc đến đây! Mình sẽ trở lại với nhiều bài viết hơn trong series Sống với nghề viết nhé, chờ mình nha!

P3: SỰ HOÀ QUYỆN CỦA 4 TÂM THẾ TẠO NÊN TRẠNG THÁI VIẾT TỐT

P2: 3 TỐ CHẤT CỐT LÕI LÀM NÊN MỘT NGƯỜI VIẾT CÓ TÂM VÀ TẦM

P1: VIẾT ĐÃ CHỮA LÀNH CHO TÔI NHƯ THẾ NÀO?

Chia sẻ:
BÀI TRƯỚC
Sống với nghề viết – P3: Sự hoà quyện của 4 tâm thế tạo nên trạng thái viết tốt
BÀI KẾ TIẾP
Sống với nghề viết – P5: Writer’s block là gì và làm sao để vượt qua?

0 Bình luận

Leave a Reply