15 49.0138 8.38624 1 0 4000 1 https://nangmaivang.com 300 0
theme-sticky-logo-alt
theme-logo-alt

Lăn xả vào đời – một lần nữa!

Gần đây bạn mình hỏi “Ê có thấy vì sao mà Ấn Độ là xứ Phật tâm linh mà những vụ cưỡng hiếp và tấn công tình dục diễn ra nhan nhản không?”. Mình trả lời đại khái là Ấn Độ là một vùng đất của những đối nghịch, lý giải dựa trên bộ phim “Doing time, doing Vipassana” (Thiền trong tù).

Hôm nay mình tìm lại nguyên văn của ý niệm đó là, “Ấn Độ là một vùng đất vô cùng rộng lớn, đầy đủ những sự khác biệt sâu sắc. Bên cạnh phong cảnh tuyệt vời tĩnh lặng, là dòng người náo nhiệt tuôn chảy không dứt. Giàu có xa hoa đan xen với cảnh nghèo nàn, cơ cực. Cùng một lúc có thể thấy cả sự sâu lắng bên cạnh sự huyên náo, sự hiền hòa và cả sự hung ác, vô minh tăm tối nhất tồn tại song hành với trí tuệ uyên thâm nhất.

Ấn Độ là vùng đất của những nghịch lý. Không một nơi nào khác nơi đây, người ta có thể chứng kiến cảnh tù nhân khóc như một đứa trẻ trên vai người cai tù…”. Ấn Độ cũng là nơi đầu tiên tù nhân được hành thiền Vipassana, và họ đã xây dựng trung tâm thiền hẳn hoi ngay bên trong chốn lao tù ấy.

Nói cách khác, mình cảm nhận Ấn Độ là một vùng đất của những thái cực, khi quá nhiều vô minh thì sẽ có minh triết sâu xa xuất hiện, giống như quy luật bù trừ và cân đối lại cho đất trời. Khi chứng kiến quá nhiều tội ác, quá nhiều ngu si, tham đắm, dục vọng và cái chết, người ta nhìn thấu được bản chất cuộc đời. Từ đó, họ có điều kiện để thức tỉnh hơn, để tìm ra được bài học cho cuộc sống của mình và để phát triển trên con đường tâm linh. Nhưng chỉ là có “điều kiện”, vì ý chí tự do sẽ quyết định bản thân người đó có muốn phát triển hay không, có muốn đứng lên và nói không với cái ác đang hiện hữu cạnh bên mình không.

Ảnh: Unplash

Mình từng khao khát cuộc sống về vườn, có nông trại, có vườn rau, một cuộc sống mà chỉ mình yên ả với thiên nhiên. Chắc chắn đó sẽ là mục tiêu của tương lai, nhưng chẳng phải bây giờ. Bây giờ mình phải sống ở một nơi đầy náo động, đầy sự nghịch lý giống kiểu Ấn Độ (nhưng không quá tệ nạn như vậy). Sự lăn xả vào đời với cái nhìn tỉnh thức sẽ cho chúng ta “quán” được thân tâm mình trần trụi nhất. Bạn cứ nghĩ bạn vững, bạn ổn cho đến khi cuộc sống, công việc và tỷ tỷ những trọng trách khác đang cuốn lấy. Liệu có mà bình yên nổi không? Hay phải cố gắng mà đi xử lý và thu xếp hết tất thảy những trách nhiệm trong đời sống thường tình ấy. Nhưng thay vì bực dọc và khó chịu, thì tại sao không làm với cái tâm điềm nhiên chấp nhận. Một lần nữa, đúng là chúng ta không thể thay đổi hoàn cảnh, mà chỉ có thể thay đổi thái độ trước hoàn cảnh đó.

Thay vì tự hỏi khi nào tôi mới có thể thoát ra hoàn cảnh này để được an lạc, được hạnh phúc, được bình yên; hãy hỏi trong mớ hỗn loạn này tôi sẽ sắp xếp lại mọi thứ như thế nào, có một khe hở nào cho những phút giây tĩnh lặng không. Hoàn toàn có nếu chúng ta tìm kiếm. Cũng giống như chuyện yêu thiên nhiên, mình đã nghĩ ở thành phố lớn thì làm sao được gần gũi với thiên nhiên được như các vùng đất mình đã đi qua, nào Huế, nào Hội An… Nhưng không phải vậy, người yêu thiên nhiên rồi sẽ tìm được thiên nhiên của riêng mình. Căn phòng mà mình đang ở chiếm một nửa là cái ban công, một cái ban công rộng cả 15m2 để mình ngắm trời xanh, rước vào tầm mắt bụi cây chen chúc và từng con chim nhỏ ghé thăm. Ban công cũng là nơi góc nhỏ tâm hồn mình tĩnh tại với từng mầm cây bé xíu, từng nhánh rau gia vị thơm thơm mình tự chăm sóc mỗi ngày.

Không quan trọng là nơi nào mình đang hiện hữu, chỉ cần biết là tâm mình đang thế nào khi ở đây, và ngay bây giờ. Cũng giống như sư cô đã truyền dạy cho mình, “Ngồi thiền không phải là luyện thân, mà là luyện tâm. Chứng kiến cái tâm mình nó hoạt động, nó bày trò, nó làm đủ mọi chuyện trên đời cho mình phải phiền não, bất bình an…”. Việc cần phải sống ở một môi trường dễ chịu, hợp ý, cũng giống như muốn ngồi thiền mà chẳng bao giờ thấy đau, đều là trò chơi (và lòng tham) của tâm trí cả. Nên cứ để tự nhiên, thì trời đất xoay vần và thời điểm chuyển giao lại đến. Nếu không thực sự sống bây giờ, thì chẳng còn bao giờ nữa.

Tĩnh lặng hay ồn ào, hối hả hay chậm rãi, cảm nhận được nhịp độ của cuộc sống mới là cách để nắm bắt phút giây hiện tại. Người ta hay bảo nhau là “chánh niệm”, rồi nói rằng chánh niệm là biết cái mình làm, đánh răng biết đánh răng, ăn cơm biết ăn cơm, đi biết đi… Chánh niệm áp dụng kiểu này rất máy móc và có khi tự kỷ luôn. Thời mới kiến đạo, mình cũng tập tành chánh niệm lắm, làm gì cũng chầm chậm để cảm nhận các hành động. Nhưng một phút sau quên đi, thì lại gấp gáp hùng hục ngay. Sau này được học thiền, mới biết chánh niệm thì ra là hơi thở và cảm thọ (cảm giác) trong lúc mình hoạt động. Làm gì cũng nhớ về hơi thở và trên thân mình đang cảm thấy thế nào.

Cái thân con người hay lắm, nó thông minh hơn bộ não, và thường phản ứng trước khi bộ não kịp nhận ra điều gì đang xảy đến. Đó là lý do nhiều lần mình né được cái xe chạy ẩu, lách được khỏi một người đi đường đột ngột xuất hiện. Vì cái thân không muốn bị thương. Cái thân – một phần nằm trong vô thức, đang vô hình bảo vệ mình. Đó là vì sao có nhiều thức ăn mình chỉ cần ngửi mùi, tự nhiên thân khó chịu, cảm giác không phù hợp, chính là dấu hiệu cảnh báo thực phẩm đó không phù hợp với sức khỏe và thể trạng.

Còn hơi thở – cái duy nhất chúng ta nắm giữ thì không còn gì phải bàn cãi. Đôi khi làm việc mệt, hỏi vì sao bị mệt, thì ra đã quên mất phải hít thở. Sự căng thẳng thường cướp đi hơi thở, như một cơ chế nín nhịn và kìm nén với hiện tại. Trở về với hơi thở, là trở về với tự tánh và bình an. Có hơi thở ra vào đều đặn, là lập tức cảm thấy bình tĩnh ngay lập tức. Mình vẫn tập thở mỗi ngày (và có lẽ tập đến khi nhắm mắt xuôi tay). Nương tựa vào hơi thở chính là cách nhận biết chính mình. Thở đều thì đang bình an, thở gấp thì đang hối hả phải làm gì đó, thở hụt thì có lẽ đang căng thẳng, mông lung, thở mạnh thì đang cố lấy lại bình tĩnh… nín thở thì sẽ… tắt thở luôn J

Lăn xả vào đời (trở lại) là một giai đoạn mới, một bài học mới. Học xong mới được lên lớp tiếp theo.

P/s: Link phim Thiền trong tù cho bạn nào quan tâm, phim rất hay nhé!

Chia sẻ:
Chuyên mục:Uncategorized
BÀI TRƯỚC
Tam thường bất túc và lầm tưởng về yêu bản thân
BÀI KẾ TIẾP
Nhìn vào cái rỗng

2 Bình luận

  • 15/05/2021 tại 12:51 sáng
    Tip

    Cảm ơn bạn rất nhiều…

    PHẢN HỒI
  • 13/10/2021 tại 1:00 chiều
    Simple

    Cám ơn bài viết của bạn, mình có vài ý kiến cá nhân rất mong được học hỏi và góp ý từ bạn và mọi người: 1/ Thời Đức Phật mới độ được cho 8/16 bang của Ấn Độ thì ngại tịch. Phật chỉ có thể độ được cho người hữu duyên. Chân lý tại Ấn Độ chưa được chiếu soi cho tất cả mọi người, những thế lực đen tối vẫn còn phát triển.
    2/ Phật dạy thân người do tứ đại gồm đất-nước-gió-lửa hòa hợp lại hình thành, không có sự cân bằng ắt sẽ nảy sinh mâu thuẫn. Mong mỗi người chúng ta tìm được sự cân bằng trong chính bản thân mình, để xã hội cũng tìm được sự cân bằng.

    PHẢN HỒI

Leave a Reply