Hành trình chinh phục Bạch Mộc Lương Tử – Kỳ 2: Trekking! Xin đừng check in
Từ khi Fansipan – nóc nhà Đông Dương có cáp treo, dân leo núi bắt đầu đổ xô đến các dãy như Pu ta leng, Pu si lung và Bạch Mộc Lương Tử. Ngày thứ 2 trong hành trình, tôi mới hiểu và thấm thía ý nghĩa của từ “chinh phục”, nó thuộc về cảm giác bạn có (trekking), chứ không phải nơi bạn đứng (check-in).
Thức dậy từ lúc 5 giờ sáng, chuẩn bị hành trang cũng như lương thực cho ngày tiếp theo, cả đoàn đã sẵn sàng tâm lý chạy đua cùng thời gian vì không ai muốn trở về lúc tối mịt, sẽ rất lạnh và đuối sức. Lương khô mỗi người 2 thanh, nước và C sủi tiếp sức mỗi chặng đường. Anh Sự thì chuẩn bị cơm nắm cho buổi trưa tại đỉnh núi, như một món quà thịnh soạn dành cho người chiến thắng.

Lên thiên đàng đâu dễ dàng!
Để đến đỉnh Bạch Mộc cao 3046m, thuộc dãy Bạch Mộc Lương Tử, chúng tôi phải vượt qua 2 đỉnh núi với độ cao lần lượt là 2500m và 2800m. Địa hình càng cao càng khó đi với những vách đá cheo leo nối trời và đẩt, bên dưới là vực sâu hay những con đường lầy lội bùn đất không có đá để bám chân đi. Với những ai có chút sợ độ cao chắc hẳn sẽ trải qua cảm giác đầy choáng ngợp và sợ hãi. Tôi vốn cũng không mắc chứng này nhưng chân cứ run lên từng nấc, phải cố gắng tập trung hết sức lực để bước từng bước thật vững.
Tầng thực vật hiện lên mờ ảo trong màn sương là những gốc cổ thụ trăm tuổi, rừng tre trúc xanh mướt thẳng tắp và những rừng cây trắng xóa màu sương đầy huyền ảo. Có lẽ vì thế mà người ta gọi là “Bạch Mộc” cho cái tên mỹ miều của ngọn núi này. Đến đỉnh thứ nhất, tôi phóng tầm mắt nhìn về con đường sắp tới và nhận ra kiểu địa hình tiếp theo sẽ là “cưỡi trên lưng rồng” để đến được cái đỉnh đầu của chúng. Cung đường trước mắt mở ra là con đường hẹp có đoạn tầm 1m còn hai bên là vực sâu thăm thẳm những tầng mây. Trên là nền trời xanh biếc, dưới là biển mây lững lờ trôi, điểm xuyết thêm từng dãy núi xa mờ. Phải chăng đây là “thiên đường hạ giới” mà nhiều người vẫn ưu ái đặt tên cho vùng núi này. Anh Sự bảo “vẫn còn xa” để thúc giục chúng tôi nhanh chân bước tiếp.
Độ cao chỉ có vài trăm mét,rõ ràng không quá đáng ngại nhưng con đường đến đó lại toàn đường vòng vì dốc đứng hiểm trở. Tôi có cảm tưởng như phải đi hình zích zắc bao quanh cả quả núi để đến điểm tiếp theo (vẫn chưa phải là đỉnh). Lúc này trời mưa lất phất, càng lên cao không khí loãng nên đến chuyện thở cũng thật khó khăn, một hai nhịp thở sâu vẫn không thể lấy hết oxi huống gì nhanh chân bước. Tôi tiếp tục bị rơi lại cuối đoàn và dần nản chí…

“Em muốn dừng ở đây và đợi mọi người xuống. Em không đi nữa. Quá mỏi và lạnh”. Tôi nói với người bạn đồng hành và ngồi bệt xuống tảng đá. Không khí trầm lại, mưa dần nặng hạt và lạnh thấu, tôi ngồi im lặng như một kẻ thất bại và không còn sức sống. Đó là khi tôi còn cách đỉnh cuối 15 phút, chỉ 15 phút nhưng lại muốn bỏ cuộc. Trong cuộc sống, tình yêu tôi đã không bỏ cuộc bất kỳ điều gì vì sợ hối tiếc, tôi sẽ luôn cố gắng hết mình dù có không được gì thì cũng không hổ thẹn với bản thân. Mà nay, 15 phút cuối với những con dốc liên tiếp khiến tôi thực sự ngán ngẩm.
Khoảng nửa giờ sau, một bác tầm 50-60 tuổi từ đỉnh xuống, mặc đồ và đội mũ lính trông ra khí chất quân nhân lắm, bảo tôi “Còn 15-20 phút nữa thôi, cố lên đi. Các bạn đang đợi”. Chắc bác chỉ tưởng tôi ngồi nghỉ mà không biết ý chí đã bay lượn nơi nào. Nhưng thật may mắn, tôi đã đứng lên và bước đi sau câu nói ấy.
Rũ bùn đứng dậy…
“Hết mệt rồi. Em sẽ đi tiếp”
Đôi khi, lời động viên từ một người xa lạ lại có ý nghĩa vô cùng to lớn với bạn. Thế là sau chuyện này, tôi tự nhủ mình phải biết động viên người khác nhiều hơn.
Cuối cùng tôi cũng đã ở đỉnh! Cảm giác tuyệt vời nhất ở đỉnh, chưa hẳn là cột mốc 3046 khắc tên Bạch Mộc Lương Tử và lá cờ Tổ quốc thiêng liêng; mà nắm cơm trắng to đùng tôi ăn như chưa từng được ăn bao giờ. Tôi đã ăn với tràn trề hạnh phúc, mồ hôi, nước mắt và bằng tất cả tình yêu tôi dành cho đồ ăn trên cõi đời này. Trên đỉnh sương nhiều làm che mây nên toàn một vùng trắng xóa, nói chính xác không phải thời điểm đẹp, nhưng tôi đã có nhiều hơn thế trong những chặng đường đi: trải nghiệm – bài học – nhận thức và ý chí. Tôi đã làm được!

Ngày thứ 2 trong hành trình, tôi mới hiểu và thấm thía ý nghĩa của từ “chinh phục”, nó thuộc về cảm giác bạn có (trekking), chứ không phải nơi bạn đứng (check-in)
Lan man về nghề porter
Anh Sự – người bạn đồng hành của cả nhóm trong hành trình này là một người con của đạo Tin Lành. Anh rất hiền và hầu như không rượu chè, mỗi bữa tối anh đều chuẩn bị thức ăn rất chu đáo cho cả đoàn. Ngoài công việc làm porter như hầu hết đàn ông trai tráng ở đây, anh vẫn làm nông cùng gia đình. Công việc porter mang lại nguồn lợi kinh tế tốt khi càng có nhiều người tìm đến Bạch Mộc Lương Tử. Anh Sự cho biết từng có những nhóm “phượt” chẳng hiểu kiểu gì mà đòi khởi hành leo núi lúc 2h sáng. Đó là chuyện ngán nhất thôi! Còn đi lại trên núi thì dễ ợt.
Và chuyện cáp treo nhức nhối
Những hệ lụy của việc xây dựng cáp treo mọi người có thể tìm những nguồn thông tin khoa học để tham khảo. Chợt nghĩ nếu Bạch Mộc bị dòm ngó làm cáp treo, nhiều gia đình như anh Sự đây chắc không làm porter nữa mà chuyển sang buôn bán các thể loại đồ lưu niệm nhạt nhẽo dưới chân núi như bao điểm tham quan khác. Khi đó sẽ chẳng còn nhiều khách chinh phục đỉnh núi nữa vì nó đã mất tính thử thách đi kèm với sự bí ẩn đầy quyến rũ. Núi rừng là để chinh phục, từ đó con người cảm thấy yêu thiên nhiên, biết ơn và trân trọng cuộc sống. Núi rừng là để phiêu lưu, không phải để xây cáp treo cho thú vui hời hợt và những tấm hình hoa mỹ trống rỗng.
#savenuirung



0 Bình luận