15 49.0138 8.38624 1 0 4000 1 https://nangmaivang.com 300 0
theme-sticky-logo-alt
theme-logo-alt

Con đường chẳng mấy ai đi – Cuộc trò chuyện giữa Tâm lý học và Tâm linh  

Một vấn đề của sách tâm lý phương Tây mà bản thân mình trải nghiệm là thường phân tích, chia tách hiện tượng, sự việc khi nói đến tâm thần của con người. Nhưng suy nghĩ của mình đã được rộng mở hơn khi tiếp xúc với Con đường chẳng mấy ai đi (the road less traveled) của tác giả M. Scott Peck. 

Quyển sách như một cú hạ cánh trên mặt đất cho vấn đề tâm linh trong mình, và giải đáp thêm những góc nhìn còn thiếu với tâm lý học phương Tây. 

Dịch giả của quyển sách là Linh mục Lê Công Đức, mình chẳng biết ông trước đó, nhưng thông qua bản dịch quyển “Con đường chẳng mấy ai đi”, mình ngưỡng mộ lối dùng từ của ông và cách Việt hóa cuốn sách trở nên rất gần gũi và dễ hiểu. 

 

Quyển sách có 4 phần: 

  1. Quy Phạm – những nguyên tắc chung, bất biến, thuộc về tính quy luật trong cuộc sống,
  2. Định nghĩa về Tình Yêu – một cách đủ đầy mà mình tin là không cần đọc một quyển sách về tình yêu nào nữa;
  3. Tín ngưỡng và Sự trưởng thành – một yếu tố, theo tác giả là không thể bỏ qua trong quá trình trị liệu tâm lý.
  4. Ân Sủng – Sự hiệp thông với Thiên Chúa: phần mà mình tâm đắc nhất.

Tuy nhiên, mình chỉ xin trình bày một số khía cạnh mình yêu thích nhất trong quyển sách để khơi gợi sự tò mò và cảm hứng đọc cho mọi người. Mình không muốn dài dòng lê thê kể lại quyển sách theo trình tự.

Quy Phạm – là phần nền tảng để chúng ta hiểu về cuộc đời – rằng cuộc đời là khó khăn, là đau khổ và thách thức. Và chúng ta được sống kiếp người trong hiện tại, cũng là để vượt lên đời sống khổ này và học ra bài học của chính mình. Nhớ về Cuộc đời của Đức Phật, thái tử Siddhartha Gautama chứng kiến quá nhiều nỗi khổ của chúng sinh mà quyết định rời bỏ cung vàng điện ngọc, vợ đẹp con thơ để đi tìm con đường giải thoát cho chúng sinh. Vì thế, chúng ta ở đây, cũng là để tự đi trên con đường giải thoát của riêng mình, giải thoát khỏi tham, sân, si, thù hận… chứ không ngoài mục đích gì khác.

Bởi thế mà…

“Cái nhìn của ta về thực tại cũng tựa như một tấm bản đồ mà ta dùng để xác định vị trí và chiều hướng của chính cuộc sống. Nếu tấm bản đồ ấy đúng, ta sẽ xác định đúng mình đang ở đâu, và nếu ta quyết định đi đâu thì ta cũng sẽ biết phải đi bằng cách thế nào cho thích hợp. Nếu tấm bản đồ ấy sai, ta sẽ dễ dàng bị lạc”

“Bất cứ khi nào chúng ta muốn tìm cách lẩn tránh trách nhiệm về cung cách sống của mình, chúng ta cũng đang giao trách nhiệm ấy cho một người nào đó hoặc một cơ chế nào đó khác. Và điều đó có nghĩa là chúng ta đang giao quyền hạn của mình cho kẻ khác (kẻ khác ở đây có thể là xã hội, là chính phủ, là công ty, là thượng cấp của mình).”

Và phải nói thêm là, hành trình này là một chuyến đi dài, chỉ kết thúc khi con người nhắm mắt, và phải “không ngừng hiệu chỉnh tấm bản đồ” để xác định được hướng đi tiếp theo. Chúng ta không thể tránh né, không thể giao cho người khác vẽ, hạnh phúc và sự bình an của mình sao có thể ở trong tay người khác. 

Khi bắt đầu tu tập, hướng vào nội tâm rồi, thì một trong những sai lầm tâm linh ban đầu thường thấy là chuyện Buông bỏ. Đúng là chúng ta phải buông bỏ, nhưng phải có một cái gì đó thì mới buông được chứ, nhất là Bản Ngã. Chúng ta chưa hiểu tận cùng bản ngã là gì, mà đã vội vàng triệt tiêu nó. Quy trình của con người là trẻ sơ sinh – lúc này chưa hình thành bản ngã, đến năm 2 tuổi – bản ngã bắt đầu xuất hiện – và những năm sau đó là tăng trưởng về bản ngã. Sự trưởng thành là khi bắt đầu ý thức được bản ngã và tìm cách kiểm soát nó. Mình cũng có thời rất ham Buông – nghiện Buông, thấy cái gì khó là Buông mà không biết sự khó đó mới mài dũa tính kiên nhẫn, kỷ luật và tinh thần. 

“Từ bỏ sự thắng cuộc khi mà chưa bao giờ thắng cuộc thì chỉ có nghĩa là dậm chân tại ngay khởi điểm: một kẻ thua cuộc. Bạn phải tạo cho mình một đặc thù trước khi có thể từ bỏ nó. Phải phát triển một bản ngã, rồi mới có thể xóa nó đi. Điều vừa nói nghe có vẻ kỳ quái, nhưng tôi tưởng phải nói toạc ra như vậy, bởi vì tôi biết có nhiều người vừa vuốt ve một ý niệm về sự trưởng thành vừa đồng thời không đủ sẵn lòng muốn sự trưởng thành ấy. Họ muốn (và họ tin là có thể) dẹp bỏ hết các qui phạm, tìm một lối tắt dễ dàng hơn để nên thánh.

Họ cố nên thánh bằng cách chỉ bắt chước những phong cách bên ngoài của các thánh: chẳng hạn rút vào ở ẩn trong sa mạc hoặc vác cưa vác búa đi làm thợ mộc! Một số người thậm chí tin rằng chỉ cần bắt chước những kiểu cách ấy là họ đã thực sự trở thành thánh nhân hay ngôn sứ rồi. họ không thể ngờ rằng họ vẫn còn trẻ con – và rồi xót xa nhận ra  rằng mình phải bắt đầu lại từ đầu và phải đi qua hết mọi chặng đường, chứ không hề có đường ngang nẻo tắt.”

Buông… và thậm chí buông ngay ở đức tin của mình, những hàm chứa bấy lâu từ vô thức cá nhân và vô thức tập thể về cuộc sống. Trong quyển sách, tác giả đưa ra nhiều câu chuyện liên quan đến đức tin và tín ngưỡng, rằng “Trên nẻo đường đó, người ta bắt đầu bằng việc chất vấn chính những gì mà mình vốn đã tin, người ta tích cực tìm kiếm những gì xa lạ và thậm chí đe dọa mình, người ta đĩnh đạc thách thức tính vững chắc của những gì mà mình đã được dạy cho biết và đã từng trân trọng. Con đường nên thánh là con đường xuyên qua việc đặt lại vấn đề về mọi sự”. 

Cách đây 3 năm, mình cũng trải qua thời gian “đạp đổ hết mọi niềm tin”, đó là thời kỳ mình phải đối diện sâu sắc với bản thân mỗi ngày, trong nước mắt và những đêm thức trắng. Miệng mình đắng, không thể ăn; tim mình như có ngàn mũi kim đâm vào, đau nhói liên hồi. Chỉ có những giờ phút cầm quyển kinh Dược Sư trên tay, mình mới bắt đầu bình tĩnh lại và có ngủ được giấc ngắn. Trải nghiệm trong thời kỳ đó mình không thể nào quên được, nhưng giờ đây mình hiểu thêm rằng, thời khắc đó là một “sự sụp đổ đẹp đẽ”, là cách mà mình đặt lại một nền móng mới cho cuộc sống hạnh phúc sau này…

và đó cũng chính là… Ẩn Sủng. 

Ân Sủng từ Thiên Chúa, theo cách nói của tác giả. Thiên Chúa ở đây không phải là tôn giáo, tín ngưỡng. Thiên Chúa là sự thật bên trong của mỗi chúng ta, là sự giác ngộ về bản thể. Ân Sủng nằm trong vô thức, là sức mạnh mênh mông ngoài ý thức và kinh nghiệm cá nhân.

Nói cho dễ hiểu, điều gì khiến một người bị tai nạn xe nghiêm trọng vẫn sống, điều gì dẫn dắt cho một đứa trẻ mồ côi không bị sang chấn tâm lý vì bỏ rơi, mà vẫn trưởng thành lành mạnh và đạt được nhiều thành công trong xã hội. Hay nói về bản thân mình, điều gì khiến một cô bé mang ý nghĩ tiêu cực từ thuở thiếu thời trở thành một phiên bản tốt hơn và tích cực hơn trong hiện tại. 

Là Thiên Chúa bên trong đang dẫn dắt chúng ta, ngài che chở và bảo vệ chúng ta trong thế giới vô thức. Không có duy tâm, cũng không có thần bí, mà chỉ là chúng ta có chịu lắng nghe thông điệp từ Ngài hay không. Đón nhận, hay không đón nhận Tình yêu của Ngài. Là do bản thân chúng ta quyết định. 

Cũng giống như con đường Giới – Định – Tuệ đã mở sẵn cho tất cả chúng sanh, Đức Phật đã là người cầm đèn đi trước. Vậy chúng ta có tự làm ngọn đèn của chính mình hay không? 

“Nhưng chúng ta vẫn chưa giải thích làm sao mà vô thức lại sở hữu được tất cả những hiểu biết mà chúng ta chưa học để biết. Một lần nữa, câu hỏi này quá có tính nền tảng đến nỗi ta không có được câu trả lời theo khoa học. Một lần nữa, ta chỉ có thể đặt giả thuyết. Và một lần nữa, tôi thấy không có giả thuyết nào có thể thỏa đáng cho bằng giả thuyết rằng có một vị Thiên Chúa kết hợp thâm sâu với chúng ta – thâm sâu đến nỗi Ngài là một phần của chúng ta.

 

Nếu có nơi nào gần gũi nhất để bạn tìm kiếm ân sủng, thì đó là bên trong chính bản thân bạn. Nếu bạn muốn đạt được sự khôn ngoan hơn mức khôn ngoan mà bạn đang có, bạn có thể tìm thấy nó bên trong chính bạn. Nghĩa là, cuộc giao ngộ giữa Thiên Chúa và con người – xét ít nhất một phần nào đó – chính là cuộc giao ngộ giữa vô thức và ý thức của chúng ta. Nói thật rõ, vô thức của chúng ta là Thiên Chúa”. 

 

“Tôi thấy đời sống con người mình giống như một thân cây sống nhờ vào gốc cây và bộ rễ. Sự sống thật sự thì không thể nhìn thấy được; nó ẩn giấu dưới gốc rễ. Còn phần hiện lộ trên mặt đất thì kéo dài không mấy lâu – có khi không dài hơn một mùa hè. Rồi nó tàn úa đi – nay còn mai mất! Khi chúng ta nghĩ về cái vòng bất tận phát triển và tiêu vong của sự sống và của các nền văn minh, chúng ta không thể thoát khỏi ấn tượng về một cái gì đó quá đỗi mong manh.

 

Thế nhưng, tôi vẫn chưa bao giờ mất cảm thức về một cái gì đó vẫn sống và vẫn bền bỉ tiềm ẩn đằng sau dòng biến dịch vĩnh cửu. Những gì chúng ta thấy được chỉ là những bông hoa, cành lá – chúng qua đi. Còn gốc rễ thì vẫn tồn tại”.

 

“Có thể nói, chúng ta đã trở thành người đại diện của Thiên Chúa, trở thành cánh tay của Ngài – một phần của Ngài. Và trong mức độ mà chúng ta – xuyên qua các quyết định ý thức của mình – có thể tác động đến thế giới theo chiều hướng ý muốn của Thiên Chúa, thì như vậy cuộc đời của chúng ta đã trở thành biểu hiệu của ân sủng Ngài.

 

Chính chúng ta, bấy giờ, trở thành một hình thức của ân sủng Thiên Chúa; chúng ta làm việc nhân danh Ngài ở giữa nhân loại, chúng ta tạo ra tình yêu ở những nơi mà tình yêu chưa hiện diện, chúng ta lôi kéo anh chị em đồng loại của mình lên tới tầm nhận thức của mình, chúng ta thúc đẩy chuyến bay tiến hóa của nhân loại vọt lên lao về phía trước…”

 

“Vậy, câu hỏi sẽ trở thành: Tại sao quá ít người trong chúng ta chọn lắng nghe tiếng gọi của ân sủng? Tại sao phần đông chúng ta đề kháng ân sủng? Trước đây chúng ta đã có đề cập rằng ân sủng cung cấp cho chúng ta một sự đề kháng nào đó trong vô thức để chống lại bệnh hoạn. Thế nhưng, tại sao chúng ta dường như cũng có một sức đề kháng không kém chống lại sự lành mạnh?

 

Câu hỏi này, kỳ thực, đã được trả lời rồi. Đó chính bởi vì sự lười biếng của chúng ta, vì cái ách của “tội nguyên tổ entropy” đè nặng trên đầu tất cả chúng ta. Ân sủng là nguồn mạch sức mạnh thúc đẩy ta tiến lên trên bậc thang tiến hóa của nhân loại, thì đàng khác: lực entropy làm cho ta chống cưỡng lại sức mạnh ấy, giữ ta ở yên tại chỗ, hay thậm chí kéo ta xuống những cấp độ hiện hữu dễ chịu và thoải mái hơn”. 

 

“Có một niềm vui tự nhiên đi kèm theo năng lực nắm hiểu và làm chủ. Thật vậy, không có sự thỏa mãn nào lớn hơn sự thỏa mãn của một người “nắm vấn đề”, một chuyên gia, một kẻ biết rõ mình đang làm gì. Những người trưởng thành tinh thần nhiều nhất quả đúng là những chuyên gia về cuộc sống. 

 

Tuy nhiên, còn một niềm vui khác nữa, thậm chí lớn hơn. Đó là niềm vui hiệp thông với Thiên Chúa. Vì khi chúng ta thực sự biết mình đang làm gì, chúng ta đang thông dự vào sự toàn trí của Thiên Chúa. Với sự nhận thức toàn triệt về bản chất của một tình thế, về các động lực thúc đẩy ta phản ứng trước tình thế đó, và về những kết quả và những hệ lụy phát sinh do hành động của mình, chúng ta đã đạt được cấp độ ý thức mà thông thường chúng ta chỉ kỳ vọng nơi Thiên Chúa”. 

Cảm nhận chung: 

Một quyển sách về trưởng thành tinh thần đáng đọc dành cho tất cả mọi người, kể cả người đọc có kiến thức hay không có kiến thức về Tâm lý học. Quyển sách này không phải đọc để giải trí, đừng tiếp cận theo kiểu bạn muốn thư giãn sau một ngày làm việc. Đây là quyển sách nên đọc với tâm thế khám phá cuộc sống và hiểu ra những bài học để thực hành trong thực tiễn. Không quá tâm lý khô khan, không quá thần học, hay tâm linh cao siêu, đây là sự giao hòa đằm thắm và dễ chịu của nền văn hóa Đông Tây, của cái Toàn thể và sự Chi tiết, cũng như tìm ra giao điểm giữa cá nhân – và Thiên Chúa. 

Link download sách Con đường chẳng mấy ai đi tại đây.

Nguồn ảnh: tangledtourista, Unsplash.

Chia sẻ:
Chuyên mục:Cảm sách
BÀI TRƯỚC
Câu chuyện gap year – 3 vấn đề tâm lý cần phải đối mặt: ổn hay không ổn?
BÀI KẾ TIẾP
Tam thường bất túc và lầm tưởng về yêu bản thân

0 Bình luận

Leave a Reply