15 49.0138 8.38624 1 0 4000 1 https://nangmaivang.com 300 0
theme-sticky-logo-alt
theme-logo-alt

Câu chuyện gap year – 3 vấn đề tâm lý cần phải đối mặt: ổn hay không ổn?

Có câu: “Kẻ thù của chúng ta là chính mình” – nhưng mình muốn nói thêm là, “kẻ thù của chúng ta là nỗi sợ của chính mình”. Nếu bạn đang có ý định “take a gap” trong cuộc đời, là gap year, gap month… không quan trọng bao lâu, mà quan trọng là bạn có tận dụng quãng thời gian quý giá này để đi sâu vào bên trong mình hay không.

Vì sao mình lại nói vậy? Nếu take gap mà vẫn cảm thấy bình thường, cảm thấy ổn, vẫn lao vào những công việc, vui chơi khác… thì liệu chăng đó có phải một sự trì hoãn khỏi áp lực, khổ sở, để thụ hưởng những khoái lạc bên ngoài. Lúc này, khoảng gap của bạn chỉ là một cách trị liệu “giảm đau” có tính nhất thời, để khi quay về cuộc sống bình thường, cơn đau vẫn có thể tái phát.

Nhưng ngược lại, nếu gap year của bạn là một thời gian tồi tệ, bạn chiêm nghiệm và đang thấu rõ bản thân mình hơn. Thì dù tệ đến đâu, cũng xin chúc mừng bạn vì bạn đang đi đúng con đường rồi.

Bạn đang chấp nhận gạt qua một bên những sự dễ chịu nào đó để đón nhận những khó khăn. Đó là sự lựa chọn đau khổ bây giờ với hy vọng được khoan khoái về sau – chứ không phải cứ duy trì sự khoan khoái và nuôi mơ tưởng rằng nỗi khổ tương lai… không chắc sẽ xảy ra.

Cho nên, trong thời gian gap year, việc cảm thấy điều gì không ổn, cảm thấy lạc lõng bơ vơ, cảm thấy mình bỏ bê bản thân quá lâu, hay cảm thấy mình đã tự ôm vào những trách nhiệm không đáng có của công việc và xã hội, thậm chí bạn bắt đầu đổ bệnh… là dấu hiệu cho thấy bạn bắt đầu chấp nhận xử lý những vấn đề cốt lõi từ bên trong.

Chắc chắn sẽ đối mặt với những lời thăm hỏi từ gia đình, từ nhẹ nhàng tới áp lực, “kiểu như bị gì vậy”, “sao không đi làm”, “mày muốn chết đói hay sao”… Bạn có thể trả lời, hoặc chẳng cần trả lời cũng không sao. Vì bạn biết mình đang có một cuộc “đại giải phẫu” với bản thân để trở thành phiên bản tốt nhất trong tương lai. Thế là đủ.

Về mình, ba mình cũng thường xuyên nghi ngại là “không đi làm thì sao có chồng? Sao nó cứ ru rú như vậy?” (Ủa, thiệt không liên quan). Thật sự với mình đó không là vấn đề, mình không bị tác động lắm. Nhưng có một lời dành cho những ai đang đối mặt với áp lực lớn hơn từ gia đình – bình an trước họ! Vẫn yêu thương, vẫn giao thiệp, và hãy cứ là mình, bằng cách dừng lại khi cuộc trò chuyện có dấu hiệu vượt giới hạn chung của hai người, bằng cách giữ chút khoảng cách nhưng vẫn có thể yêu họ từ xa…

Còn sự nghiệp của tôi ra sao?… có lẽ cũng là một câu hỏi lớn khi bạn dừng lại. Vì chúng ta sống trong thế giới không ngừng tiến lên, một thế giới điên cuồng cho công việc và địa vị, không có chỗ cho sự dừng lại, và chuyện nghỉ ngơi dường như là một khái niệm xa xỉ. Về chuyện này, sự nghiệp thì cũng khá quan trọng nhưng một sự nghiệp ý nghĩa, nằm đúng vòng tròn Ikigai thì sẽ hay hơn những chạy đua không hồi kết với sự nghiệp của người khác.

Ảnh: Tạp chí Elle

 

Vòng tròn Ikigai là sự giao thoa giữa những gì bạn thích, những gì bạn kiếm ra tiền, những giá trị bạn có thể cống hiến và những gì xã hội thật sự cần đến. Đáp ứng được bốn tiêu chí này, bạn sống trong tâm điểm Ikigai của đời mình. Với mình, một sự nghiệp được gọi là thành công thì phải nằm trong vùng Ikigai đó, để chúng ta làm việc mỗi ngày đều cảm thấy ý nghĩa. Vùng Ikigai còn tạo nên động lực và sức mạnh để chúng ta có thể vượt qua những khó khăn, thách thức.

Thay vì băn khoăn về tiến độ của sự nghiệp trong khoảng gap, hãy tự hỏi mình liệu công việc cũ vừa qua có nằm đúng Ikigai của bản thân chưa. Vậy phải dùng quãng thời gian ý nghĩa này để xây dựng lại đam mê, giá trị và xem mình có thể cống hiến gì cho xã hội. Cho dù bạn là thợ may, thợ làm bánh, kỹ sư, nhân viên kế toán… miễn bạn làm đúng được công việc của mình, như một con cá được sống dưới nước, thì những sự nghiệp này đều đáng trân trọng.

Cũng sẽ có những khi bạn cảm thấy cực kỳ cô đơn. Tách khỏi công ty, công sở, khỏi những bạn bè, đồng nghiệp… cuối cùng mình là ai? Những mối quan hệ nào mới thật sự là quan trọng trong đời mình? Để trả lời những câu hỏi này, bản thân mình phải sống trong tĩnh lặng, thậm chí là cô đơn một thời gian dài. Như cách đi leo núi, chúng ta cần vượt qua nhiều thung lũng và triền đồi bên dưới, ngày qua ngày để lên được đỉnh núi. Chấp nhận sự cô đơn để nhìn lại mọi thứ. Vì Benjamin Franklin đã nói, “Those things that hurt, instruct” (những gì gây đau đớn cho ta đều giúp dạy khôn ta). Chúng ta không sợ hãi trước cô đơn, vì đây sẽ là vũng bùn đẹp đẽ để giúp đơm lên những bông hoa sen thơm ngát của tâm hồn.

Ôm lấy mình, embrace yourself – mình cực kỳ thích cụm từ này. Chấp nhận mình là chìa khóa để bạn làm hòa với chính mình. Khi có thể hiểu và yêu thương bản thân, thì bạn đã làm chủ được “tiểu vũ trụ” bên trong mình. Như Đức Phật ngồi 49 ngày dưới cội bồ đề để tìm về bản thân và tìm ra chân lý thoát khổ cho nhân loại…

Đức Phật đã nói, ai cũng có thể thành Phật – Phật là bậc giác ngộ, là trạng thái chứ không phải danh hiệu. Nếu bắt đầu bước đi trên con đường Biết chính mình, một con đường thấu hiểu, ôm ấp và hòa giải với bản thân, tự làm ngọn đèn soi sáng cho cuộc đời mình, thì chính bạn cũng đang chập chững bước vào con đường Dharma (Pháp) mà Đức Thế Tôn đã để lại cho con người.

Nên, ổn hay không ổn – thì cũng hãy ôm lấy mình trước đã, bạn nhé!

____

Câu chuyện gao year các phần trước, mời bạn xem thêm tại đây.

Chia sẻ:
BÀI TRƯỚC
Nghề freelance có gì vui? – P8: Bài học nhớ đời về đối tác thiếu trách nhiệm  
BÀI KẾ TIẾP
Con đường chẳng mấy ai đi – Cuộc trò chuyện giữa Tâm lý học và Tâm linh  

0 Bình luận

Leave a Reply