15 49.0138 8.38624 1 0 4000 1 https://nangmaivang.com 300 0
theme-sticky-logo-alt
theme-logo-alt

Câu chuyện gap year – P4: Tự do không phải là đích đến cuối cùng, mà là một điều khác.

“Không đi rêu bám đầy mình thì dạy cho ai?” – Tiến sĩ Nguyễn Phương Mai, tác giả hai quyển sách mình yêu thích “Tôi là một con lừa” và “Con đường Hồi giáo” đã chia sẻ về câu chuyện gap year với hành trình dài 2 năm của chị để thu thập những kiến thức và trải nghiệm thực tế. Để rồi ngày trở về giảng đường đại học, chị đứng lớp kể về văn hoá Hồi giáo, về con người xứ sở Trung Đông với những kiến thức sống động, không cần đến cả giáo án.

Thời gian đầu, bạn sẽ vô cùng choáng ngợp với sự tự do về thời gian mà gap year mang lại, nhưng rồi bạn nhận ra tự do không phải là đích đến cuối cùng. Một cuộc sống trải nghiệm với những bài học có ý nghĩa mới chính là giá trị của gap year.

Đánh thức những tiềm năng mới mẻ

Tiềm năng của con người luôn là một ẩn số. Chúng ta được nhận định là “chuyên gia” về một lĩnh vực nào đó là vì đã dành nhiều thời gian làm việc và thu thập rất nhiều kinh nghiệm nghề nghiệp. Một người kế toán lâu năm, một anh thợ sửa xe chuyên nghiệp, một nhân viên tổ chức sự kiện năng động… có phải chúng ta đang bị gò bó với những định danh như thế. Cái mác “kinh nghiệm” hay “chuyên gia” có sức gây nghiện lớn khiến mọi người càng đào sâu hơn vào lĩnh vực mình đang làm. Điều này không hề xấu và cũng chẳng có gì sai, nhưng nó nguy hiểm là chúng ta dễ nhìn cuộc đời và mọi thứ chỉ qua lăng kính chuyên gia của mình. Nó bó hẹp suy nghĩ và phần nào cản trở tiềm năn trong bạn: khi có thể bước ra bầu trời đầy sao thì bạn chỉ muốn nhìn ánh trăng qua khung cửa sổ nhỏ xíu.

Là một người làm trong lĩnh vực truyền thông – báo chí, mình cũng bị nhìn mọi việc qua góc nhìn của người làm truyền thông, đánh giá các sự vật, hiện tượng dưới góc nhìn nghề nghiệp vì đó là lĩnh vực mình cảm thấy có nhiều kinh nghiệm để lấy ra soi xét. Vì ngoài lĩnh vực mà mình được học, được làm, mình không còn “vốn liếng” nào khác để nhìn cuộc sống một cách rộng mở hơn. Cách duy nhất với mình có lẽ là sẵn sàng cho những trải nghiệm, sống nhiều cuộc đời, gặp nhiều con người để cái tôi của mình bé lại và sự bao dung, đồng cảm lớn dần hơn.

Một chiều đi chơi tại hồ Khe Ngang, Huế

Đó là cách mà mình đã ở Huế học đàn tranh, đã học múa ở Hà Nội và sống tại Hội An như một con người của xứ sở miền Trung đầy nắng và gió. Khi bỏ hết những cản trở và định kiến, thử một lần cho bản thân được phiêu lưu, dù thành công hay thất bại thì đều là món quà quý giá của sự “đã làm và không hối tiếc”. Một đứa mù nhạc có thể học được đàn tranh chỉ trong 6 tháng ở Huế, có thể chơi được các bài nhạc cơ bản với những kỹ thuật trung bình. Một con người liệt thể dục hồi cấp ba và cả đại học có thể chinh phục được hai giải bán marathon dài 21km. Một người đã từng học bơi không thành công vào hai năm trước đã có thể bơi (bì bõm) sau lớp học múa – chạm ứng tác ở Hà Nội.

Gap year có thể làm giảm thu nhập của mình, có thể làm chậm quãng đường sự nghiệp của mình (mà có chắc là chậm không?), nhưng trả lại cho mình vô vàn “kho báu” bất ngờ về bản thân. Vì đã dành nhiều thời gian để sống với chính mình, thì sao không hái “quả ngọt” về sự tự nhận thức và trưởng thành hơn. Vì đã nếm mùi vị của cuộc đời tự chủ, tự do, thì sao có thể bó hẹp mình vào những suy nghĩ cũ kỹ như trước.

Quá trình tự học và đọc

Từ khi nghỉ việc, mình đọc sách nhiều hơn. Một sự thật rõ ràng vì trước đó làm gì có thời gian đọc sách trong mớ bòng bong công việc. Mỗi ngày đi làm về nằm được trên giường là đã ríu mắt lại, không thì sẽ đi xem phim, ăn uống hay mở Netflix thư giãn với những thước phim giải trí (có lúc bổ ích cũng có khi nhạt nhẽo). Hiện tượng tụt năng lượng sau một ngày dài mỏi mệt cũng dễ thấy ở công việc văn phòng. Đọc sách cũng không thể tiếp thu, càng không có nhiều thời gian để viết một thứ gì đó hay ho và sáng tạo cho bản thân mình.

Học thêm các khoá học cũng là điều khó khăn mới làm được. Trước đây, mình chỉ học thêm các lớp yoga hay vẽ để nhằm mục đích thư giãn. Mình không chú ý và cũng không có thời gian để tích luỹ thêm kiến thức chuyên môn hay học một lĩnh vực khác. Nói chính xác là vì bản thân cũng không rõ mình thích gì để đi tìm tri thức. Một thế giới vô định chỉ có đi làm và nghỉ ngơi là đã cuốn hết thời gian từ năm này qua năm khác.

Có một nhận định khá hay là nếu bạn không trau dồi kiến thức thì như trồng một cái cây mà chẳng lo chăm bón, suốt ngày hái quả. Đến lúc nào đó, cây bị vắt kiệt sức lực, không còn dinh dưỡng để cho thêm quả ngon nữa. Nhận định này ý nói nếu chúng ta chỉ “xài” những kiến thức và kinh nghiệm sẵn có từ ngày này qua ngày khác mà không nạp thêm nguồn dinh dưỡng cho tri thức thì sớm muộn cũng có ngày hoa trái bị teo tóp. Hoặc có lẽ mình thuộc tuýp người hơi bị ám ảnh chuyện phải tiến lên mỗi ngày. Cảm giác giậm chân tại chỗ luôn khiến mình bị bồn chồn nên lúc nào cũng muốn học thêm, đọc thêm, vun trồng cho cái cây của bản thân thêm xanh tốt.

Cũng tuỳ hoàn cảnh sống, mỗi người sẽ nhận ra được những điều quan trọng cho cuộc sống của mình. Có bạn trải qua một cơn bạo bệnh, có người gặp tai nạn nguy hiểm, có bạn trải qua nỗi đau mất người thân… thì sẽ học ra được bài học quý giá trong đời. Với mình, có lẽ kỳ gap year đáng nhớ trong cuộc đời tuổi trẻ này đã để lại cho mình quá nhiều sự thay đổi như một con rắn thay da cho chu kỳ mới của nó. Để khi bước vào chu trình mới, nó sống rực rỡ hơn với lớp da khoẻ mạnh, chính là một tâm thức mới đón chào cuộc sống. Với tất cả sự mong chờ để lao vào khu rừng mơn mởn cây trái và nguồn thức ăn, con rắn – vẫn nằm trong chuỗi thức ăn của muôn loài chẳng bao giờ tránh được những hiểm hoạ. Nó có thể chết, có thể bị ăn thịt ngay lập tức…

Thỉnh thoảng, mình vẫn chìm nổi giữa những bến bờ suy nghĩ về ý nghĩa của cuộc sống, vẫn đối mặt với những nỗi sợ hãi, với bản ngã thậm chí là nhiều định kiến. Chẳng có ai mạnh mẽ và tích cực ở đây cả, chỉ có người chịu “làm việc” với bản thân nhiều như thế nào để chấp nhận 100% những gì thuộc về mình. Một công việc không lương, nhiều niềm vui lẫn đau đớn, nhiều nụ cười lẫn giọt nước mắt, chữa lành từ bên trong chưa bao giờ là công việc dễ dàng, nhưng chẳng phải không thể chạm tới. Mặc cho bao nhiêu khó khăn hay nhiều lần trì hoãn, nếu muốn thoát khỏi những hư mộng và bế tắc… chỉ còn cách “quay đầu là bờ”, cập bến vào hòn đảo tự thân.

(còn tiếp)

Chia sẻ:
BÀI TRƯỚC
Câu chuyện gap year – P3: Để trái tim mở lối hành trình…
BÀI KẾ TIẾP
Câu chuyện gap year – P5: Tấm vải thổ cẩm dạy tôi hiểu về đồng Tiền Hạnh Phúc

0 Bình luận

Leave a Reply